Clip thời điểm sà lan đâm sập cầu Cái Tâm:
Chèo ghe đưa học sinh qua sông
Hơn 2 tháng trước, rạng sáng ngày 12/7, chiếc tàu kéo theo sà lan số hiệu LA 03671 do ông Trần Văn Trung (ngụ quận 4) điều khiển lưu thông trên sông Chợ Đệm (hướng từ cầu Bình Điền về bãi cát Thạch Trung, huyện Bình Chánh). Khi đến khu vực lòng sông thuộc xã Tân Nhựt đã va vào cầu Cái Tâm và kéo sập cầu xuống sông.
Hơn 2 tháng kể từ ngày sà lan tông sập, cầu Cái Tâm giờ chỉ là đống sắt vụn nằm ngỗn ngang ven bờ. |
Thời điểm xảy ra tai nạn giữa đêm khuya nên may mắn không gây thương vong về người. Tuy nhiên cây cầu được xây dựng hàng tỷ đồng từ đóng góp của người dân bị sập hoàn toàn rơi xuống sông.
Sau đó lãnh đạo UBND xã Tân Nhựt cho biết sẽ sớm làm việc với các ngành có liên quan cũng như cơ quan chủ quản sớm xây dựng lại cây cầu để người dân thoát cảnh qua sông luỵ đò hoặc phải đi vòng nhiều km giao thương qua lại.
Ngày 16/9, có mặt tại cầu Cái Tâm, PV ghi nhận cây cầu trở thành một đống sắt gỉ nằm chất đống bên phía bờ sông ấp 4, xã Tân Nhựt. Trong khi đó việc đi lại của người dân 2 bên bờ gặp rất nhiều khó khăn.
Người dân bức xúc, than thở vì sự khó khăn, cuộc sống đảo lộn kể từ ngày cầu sập. |
Bà Nguyễn Thị Ba (60 tuổi ngụ đường Tân Long, ấp 4 xã Tân Nhựt) than thở: “Cầu sập cũng đã hơn 2 tháng rồi mà vẫn chưa được khắc phục sửa chữa khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng đã làm đơn gởi lên UBND xã cầu cứu sớm xây dựng lại cây cầu bắc qua sông để người dân bớt khổ. Nghe đâu xã cũng đã kiến nghị lên thành phố và đang chờ phê duyệt đầu tư mới có vốn để xây dựng cầu bê tông mới”.
Sau khi xảy ra sự cố, giao thông qua cầu bị cắt đứt, nhiều hộ dân từ bên ấp 6, xã Tân Nhựt muốn đi về các quận huyện trung tâm TP HCM phải đi đường vòng 2 bên đường dẫn lên đường cao tốc Trung Lương xa hơn hàng km và mất nhiều thời gian hơn so với trước đây.
Khổ sở nhất là việc đi lại của các em học sinh ở ấp 6 qua trường tiểu học Tăng Nhựt, ấp 4 trong mùa tựu trường này. Hàng ngày người dân phải sắp xếp thời gian chèo ghe đưa con em mình qua sông đi học và ai cũng hết sức lo lắng cho sự an toàn của các em trong những ngày mưa bão.
Nhìn cây cầu giờ là đống sắt nằm ngỗn ngàng, cô Nguyễn Thị Hạnh (52 tuổi sống gần bờ sông ấp 6 xã Tân Nhựt) bức xúc: “Khi có dự án xây dựng cây cầu sắt người dân chúng tôi sẵn sàng góp tiền ủng hộ, khi cầu hoàn thành đưa vào sử dụng người dân ai cũng vui mừng. Thế mà giờ cầu sập cả hơn 2 tháng vẫn “im re” khiến việc đi lại của người dân khó khăn, cuộc sống bị đảo lộn”.
Các bậc phụ huynh cho biết: Trước đây tụi nhỏ có thể tự đi học được để người lớn an tâm với việc mưu sinh. Giờ cầu sập thì hầu như ai cũng phải dùng xe hoặc ghe để đưa đón nên ảnh hưởng đến công việc làm ăn, lo cho cuộc sống.
Chưa biết thời gian khắc phục hay xây mới?
Sáng 16/9, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Phạm Văn Lũy, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt cho biết: “Sau khi vụ việc xảy ra, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng, ban ngành giải quyết vụ việc. Từ khi cầu sập người dân phải đi theo đường dẫn vào đường cao tốc Trung Lương và 2 con đường dẫn cũng xuống cấp nên chúng tôi cũng kiến nghị Khu quản lý giao thông đô thị số 4 sớm đầu tư 2 đường dẫn để người dân đi lại thuận tiện”.
Cây cầu nối đôi bờ cho người dân huyện nghèo ở TP HCM giờ bị chia cách sau tai nạn sà lan tông sập. Tuy nhiên ngay cả chính quyền địa phương còn chưa biết đến bao giờ người dân mới có được cây cầu mới để sang sông? |
Về việc xây cầu, theo ông Luỹ, xã nhận được đơn của người dân, đồng thời đã kiến nghị lên lãnh đạo huyện Bình Chánh xin sớm đầu tư xây mới cây cầu nhưng đến nay vẫn đang chờ huyện kiến nghị lên thành phố để lập đề án xây mới. Riêng vấn đề bồi thường của tài công, chủ phương tiện thì khó khả thi bởi phải chờ phán quyết từ cơ quan điều tra, Toà án.
Chính quyền xã Tân Nhựt khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên đưa con em đến trường bằng ghe, đò vì đoạn sông là khu vực nước xoáy, tàu thuyền, sà lan ...qua lại nhiều rất nguy hiểm, |
“Các trường hợp người dân chèo ghe đưa con đi học qua sông là không nên, chúng tôi sẽ kiểm trả, nhắc nhở phụ huynh nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra bởi đây là đoạn sông gần ngã 3 với lượng tàu thuyền, sà lan qua lại nhiều tạo thành dòng nước xoáy rất nguy hiểm", ông Lũy cho biết thêm.
Cầu Cái Tâm được xây dựng vào năm 2008 với khoảng 3 tỉ (trong đó vốn dân 1,5 tỉ vốn nhà nước 1,5 tỉ). Cầu được làm bằng sắt, mặt đường tráng nhựa với chiều dài gần 50m, ngang 3m...