Ông Vương, ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, thường có thói quen tự mình ngâm rượu thuốc. Cách đây một thời gian, ông mày mò một công thức dân gian mới, sau khi làm xong gọi 3 người bạn thân thiết đến nhà nếm thử.
Không ngờ, sau vài ly rượu, tất cả mọi người xuất hiện triệu chứng ngộ độc rượu thuốc như buồn nôn, nôn, tê bì tay chân. Một số người vẫn còn tỉnh táo vào thời điểm đó ngay lập tức gọi xe cấp cứu.
Các triệu chứng của 4 người khi được đưa lên xe cứu thương bắt đầu trở nên tồi tệ hơn, sau khi cấp cứu nhanh, 3 người đã được đưa đến phòng điều trị đặc biệt ICU, người còn lại được chuyển đến phòng cấp cứu để theo dõi vì uống ít rượu.
Hiện tại, vẫn chưa ai trong số 4 người qua cơn nguy kịch. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện thủ phạm của thảm kịch chính là loại rượu thuốc họ uống có chứa aconitine.
Ảnh minh họa. |
Sự cố ngộ độc aconitine thực sự không phải là hiếm. Cách đó không lâu, ông Lý, ở Chu Hải, Quảng Đông, vì mắc bệnh gút, đã mua thuốc sắc gồm các loại thuốc thảo dược trên mạng về uống. Hai ngày đầu uống thuốc thì không có vấn đề gì, nhưng đến ngày thứ ba, ông Lý xuất hiện các triệu chứng như tê lưỡi, suy nhược toàn thân và nôn mửa, ngất xỉu. Gia đình vô cùng hoảng sợ vội đưa anh đến bệnh viện.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ cũng phát hiện loại thuốc cổ truyền mà ông Lý uống có chứa aconitine thô, dùng quá liều dễ bị ngộ độc. Rất may gia đình đã đưa ông đến bệnh viện kịp thời nên ông Lý được cứu sống.
Aconitine là gì?
Aconitine là một trong những thành phần được sử dụng trong y học cổ truyền. Trên lâm sàng, dược liệu loại aconitine chủ yếu dùng để giảm đau, chống viêm, gây mê, hạ huyết áp, còn các đơn thuốc dân gian dùng dược liệu loại aconitine chủ yếu dùng để chữa vết bầm tím, đau khớp, viêm khớp dạng thấp.
Thế nhưng, aconitine là thành phần rất độc, chỉ 0,2mg aconitine nguyên chất có thể gây ngộ độc, 2-4mg có thể gây tử vong. Trong "Biện pháp quản lý thuốc độc dùng trong y tế" của Trung Quốc, dược liệu y học cổ truyền có chứa aconitine được đưa vào diện quản lý chặt chẽ, đây là dược liệu độc hại của Trung Quốc, không được dùng làm thuốc hoặc thực phẩm thông thường.
Sau khi ngộ độc aconitine, biểu hiện chủ yếu là buồn nôn, nôn, đánh trống ngực, tiêu chảy và đau bụng,…một số trường hợp nặng có thể hôn mê, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Nếu vô tình ăn phải thực phẩm có chứa aconitine, nên đi khám và điều trị kịp thời nếu cảm thấy không khỏe. Nếu còn tỉnh, uống nhiều nước, dùng ngón tay ấn vào gốc lưỡi và cuống họng để gây nôn.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Hai người đàn ông mất mạng vì uống rượu thuốc tự ngâm