Con đường dẫn đến nghĩa trang thôn Tiên, mùa này, chỉ ngửi thấy mùi rơm khô. Dừng lại ngay vệ đường, bước sâu vào nghĩa trang thôn Tiên, chúng tôi ớn lạnh khi trước mặt tôi là hàng chục ngôi mộ được xây sẵn, nắp mộ được lật ra, bên trong không có gì ngoài nước mưa đêm qua đọng lại.
Hàng chục ngôi mộ được xây sẵn cho người đang sống. |
Thỉnh thoảng lại có vài ba mộ đóng nắp, khói hương nghi ngút... Đó là những ngôi mộ xây cho người chưa khuất, một quy định có một không hai của thị trấn Yên Lạc (Vĩnh Phúc)...
Chưa chết đã có... mộ
Trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Văn Toa (sinh năm 1954, khu 1, thôn Tiên) cho biết: “Nghĩa trang thôn Tiên được xây dựng khá lâu rồi và có trên bốn chục mộ được xây sẵn cho người còn sống”. Thấy tôi hoài nghi về những ngôi mộ khá kỳ lạ này, ông Toa giải thích: “Thời gian từ lúc người mất đến lúc cải táng là 3 năm thì năm đầu địa phương xây 20 mộ, các năm còn lại, xây thêm 29 phần mộ nữa.
Các phần mộ được đánh số từ 1 đến 49. Vậy là người quá cố cũng có vị trí, thứ tự của riêng mình. Người nào “ra trước” thì ở trước, lần lượt cho đến hết các số thứ tự.
Sau thời gian 3 năm, người nào được chôn cất ở hàng mộ đầu tiên sẽ được cải táng sang địa điểm khác. Nếu có người mất sau này, thì lại chôn vào mộ đó. Mọi việc tuần tự và rất quy củ”.
Vừa nói, ông Toa vừa chỉ tay sang bên kia đường: “Bên kia là nghĩa trang thôn Trung, cũng xây mấy chục mộ cho người đang sống”. Rời nghĩa trang thôn Tiên, chúng tôi vào nghĩa trang thôn Trung. Cũng giống như thôn Tiên, nghĩa trang thôn Trung được xây dựng giống y hệt, nhưng các ngôi mộ hình như mới xây chưa lâu. Quan sát xung quanh, có vài ngôi mộ vừa mới được đào lên, vết đất đỏ còn mới nguyên, còn lại là các ngôi mộ đã có “chủ nhân” yên nghỉ.
Thấy tôi tò mò về các ngôi mộ không “người ở”, vài hộ dân đang tập trung công việc đồng áng như khơi vào mạch cảm xúc, bàn tán: “Lúc đầu chúng tôi cũng thấy hơi kỳ lạ về quy định này, nhưng sau khi đưa vào làm thí điểm, thấy có lợi nên ai cũng phấn khởi vì nó đạt được nhiều mục đích.
Quy định này hay ở chỗ là nó không phát sinh về diện tích đất, không gây ô nhiễm môi trường và đỡ chi phí mỗi khi có người mất. Nhiều nơi họ làm phân tán, phí ruộng, phí đất. Trước đây, đang đường cày thẳng tắp, trâu chạy băng băng thì vướng vào phần mộ, lại phải lách sang mà làm. Làm thế này không chỉ sạch đẹp, gọn gàng, mà tiết kiệm, quy củ, văn minh”.
Những ngôi mộ trong nghĩa trang được địa phương đứng ra xây, chi phí hầu như do các nhà hảo tâm, công đức ủng hộ. Vì thế số tiền lo đám ma trước đây vốn rất tốn kém nay đã giảm hẳn.
Khu cải táng đang được xây dựng. |
“Nghĩa trang thôn Tiên được xây dựng từ năm 1999, tổng số thôn có 49 huyệt, cho đến thời điểm hiện tại vẫn là 49 huyệt. Bây giờ những huyệt đó vẫn thực hiện việc “luân chuyển” tốt. Diện tích đất thì không phát sinh thêm”, ông chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiên, Nguyễn Văn Đại, cho biết.
Khi được hỏi tại sao lại có quy định đó, ông Đại bộc bạch: “Từ xưa, việc xây mồ mả cho người chết hết sức tốn kém. Những gia đình giàu có sẽ xây những ngôi mộ cao, to, còn người nghèo thì xây thấp, bé vì thế nó tạo ra một sự mất bình đẳng trong thôn. Điều quan trọng, quy định này sẽ giúp tiết kiệm được diện tích đất. Chính vì thế, việc xây dựng mồ mả cho người đang sống được đưa vào quy định của thôn, một dạng hương ước”.
Theo quy định của thị trấn Yên Lạc, người chết phải chôn từ 36 tháng trở lên mới được cải táng. Việc cải táng thường được thực hiện vào 2 tháng mùa khô, tháng 9 và tháng 10, cải táng vào các ngày 2, 10, 16 và 22. Riêng tháng 12 âm lịch, chỉ được cải táng vào ngày mùng 2. Thời gian thực hiện việc cải táng từ 2h đến 10h sáng các ngày trên.
Gặp người khai sinh ra 2 quy định “lạ”
Theo lời ông chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiên, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Quang Tiệp, nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Lạc - người khai sinh ra hai quy định khá kì lạ này.
Băng qua cánh cổng sắt, chúng tôi gặp ông Tiệp đang ngồi chơi cờ trước hiên nhà. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng ông vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn lắm. Biết chúng tôi đến tìm hiểu về hai quy định đó, ông chỉ tay, nói: “Cứ ra nghĩa trang thôn Đoài xem đi, xem xong thì về đây nói chuyện”.
Ông Phạm Quang Tiệp nói về hai quy định kỳ lạ của thôn với phóng viên. |
Chắc nghĩa trang thôn Đoài có điều gì đặc biệt thì ông mới bảo chúng tôi đi xem. Chúng tôi quyết định mục sở thị nghĩa trang thôn Đoài. Thật bất ngờ, nghĩa trang thôn Đoài khang trang tọa lạc ở một vị trí thuận lợi, nhìn qua chẳng khác nào thành phố của người đã khuất.
Nghĩa trang đang xây dựng còn dở dang, được ngăn cách làm 2 phần. Một bên là mộ phần cho những người sau 3 năm được cải táng đưa vào, còn bên kia là 80 ngôi mộ có đánh số thứ tự (từ 1 đến 80) chỉnh chu, kĩ lưỡng. Mộ được thiết kế khá tinh xảo nhưng tiết kiệm. Chiều rộng 60 cm, chiều dài 80 cm và chiều cao không vượt quá 1m, hai bên mộ có rãnh thoát nước.
Quay trở về, khi cuộc cờ đã tàn, tiếp chuyện tôi, ông Phạm Quang Tiệp tâm sự: “Việc cưới, việc cải mả là một tập tục cũ, người dân không thể bỏ được, nhưng khi thực hiện thì vô cùng nhiêu khê, rườm rà và lãng phí. Nhiều người không muốn nhưng phải theo. Vì thế, cần sớm đưa ra một cơ chế tập thể, hợp với lòng dân thì nhân dân sẽ đồng tình làm theo”.
Người cựu chiến binh - bộ đội phục viên này sau nhiều trăn trở đã đưa ra ý tưởng: “Một tháng chỉ được cưới 2 ngày là ngày mùng 2 và 16 âm lịch; Xây dựng mồ mả cho người chưa khuất theo kiểu “xa luân chiến” quay vòng như thế.
Ông Tiệp chia sẻ: “Thấy người dân nhậu nhẹt, say xỉn, tốn kém mỗi khi gia đình có đám cưới hoặc cải mả, tôi băn khoăn. Thế nên sau nhiều đêm suy nghĩ tôi đưa ra ý tưởng để giúp dân sớm thoát khỏi cảnh đó, sống văn minh hơn nhưng vẫn giữ được nét văn hóa của dân tộc mình, địa phương mình.
Khi đưa ra bàn thì phải lấy ý kiến số đông người dân. Người dân nhất trí cao mới triển khai ra Đảng ủy, các ban, ngành, đoàn thể, phân tích cái lợi, cái hại. Nếu ngày nào cũng đi ăn đám cưới, ăn cỗ cải mả thì lấy đâu ra thời gian để đi làm, như thế người dân sẽ không bao giờ thoát được cảnh nghèo đói, tù túng.
Ông Tiệp nhìn về hướng nghĩa trang thôn Đoài, nói tiếp:
“Việc hủ tục cải táng và hung táng chưa ai có thể bỏ được. Thế nhưng, cải táng mạnh ai nấy làm không theo một ngày quy định thường đi theo ăn uống lãng phí, mời mọc quá đông. Cải mả là ngày vui, đưa người mất từ nhà đất sang nhà sành. Thật bất ngờ quy định mà lúc đầu người dân còn cho là viển vông nhanh chóng trở thành nếp sống và góp phần giúp cho thị trấn Yên Lạc trở thành vùng đất bình yên lạc nghiệp như chính cái tên của nó.