Khu “nghĩa trang liệt sĩ”
Theo sách lịch sử Đảng bộ phường Hòa Phát (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), khu nghĩa địa Nghi An – Gò Đồi hiện chôn cất hàng ngàn ngôi mộ, trong đó có rất nhiều ngôi mộ liêt sĩ, chiến sĩ. Cụ thể là các chiến sĩ thuộc Trung đoàn E96 hy sinh trong trận cầu Bà Điếc và chiến sĩ cách mạng hy sinh trong thời chống Mỹ cứu nước.
Bia chiến tích đặt ở ngay khu nghĩa trang khẳng định nơi đây từng có 18 chiến sĩ hy sinh trong một trận đánh. |
Đồng thời, khu nghĩa địa này còn ghi nhận có hàng chục phần mộ những người lính dưới trướng danh tướng Nguyễn Tri Phương hy sinh khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng năm 1858.
Bia chiến tích đặt tại khu nghĩa trang này cũng ghi rõ: “Nơi đây, trên dải phòng ngự Nghi An – Phước Tường, từ ngày 25/12/1946-6/1/1947, bộ đội ta thuộc Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96 phối hợp với quân dân địa phương và 2 đại đội tăng cường của Tiểu đoàn 100 (trung đoàn 93) đã ngoan cường chiến đấu giữ vững phòng tuyến,… Trên các trận này, ta có 18 chiến sĩ anh dùng hy sinh.”
Nhà bia lưu niệm chiến tích diễn ra tại khu nghĩa trang này cách đây gần 70 năm. |
Sau ngày giải phóng ngày 30/4/1975, khu nghĩa trủng Nghi An – Gò Đồi nằm trong khu vực cụm kho CK55 do Quân khu 5 trực tiếp quản lí. Vài nằm trở lại đây, chính quyền địa phương đã lập hồ sơ để đệ trình lên cấp trên công nhận là khu di tích.
Sự xúc phạm đến linh hồn người mất?
Dù đã 1 tuần qua đi, nhưng chuyện 400 ngôi mộ bỗng “biến mất” khiến người dân làng Nghi An (phường Hòa Phát) nhiều đêm trằn trọc ăn ngủ không yên. Nhiều người dân vô cùng bức xúc bởi theo họ: “văn hóa tâm linh người Việt Nam, người chết cũng có linh hồn nên khi chết tránh động mã nơi yên nghỉ, làm như vậy thì sẽ bị bề trên quở trách, làm ăn cất đầu không nổi, sức khỏe không được tốt.”
Người dân đang thu gom, tập kết những phần xương vụn nằm vương vãi sau khi bị san lấp. |
Theo một vị cao niên trong làng, khu nghĩa địa này có khoảng 2000 ngôi mộ nhưng đến một nửa là vô chủ. Bởi thế, hằng năm, người dân trong làng chọn ngày 16 tháng Chạp để làm lễ giỗ chung cho những vong hồn xấu số, vô danh, không bản quán.
Tiếp chuyện về sự việc này, một tài xế xe cẩu thi công khu nghĩa địa chia sẻ: trong quá trình anh cùng các công nhân khác đào đất thì phát hiện hài cốt một cô gái với mái tóc dài. Nhưng công nhân này đã nhanh chóng mua hương đèn và làm lễ cài táng chu toàn hài cốt cô gái.
Nhiều người dân vẫn kéo đến khu nghĩa trang bày tỏ niềm bức xúc. |
Thông tin này mau chóng lan nhanh trong làng. Người dân đã cử người lên khu nghĩa địa để xác minh. Khi đó mới té ngửa là gần một nửa khu nghĩa trủng đã bị đào sâu khoảng gần 3 mét, khoảng 400 ngôi mộ đã bị công ty dùng máy xúc và máy ủi san lấp đi nơi khác.
Tiếp đến, ông Ngô Đằng (Chủ tịch hội đồng chư phái làng Nghi An) cùng nhiều cao niên trong làng đã đến nhờ ông Nguyễn Tiến Ca (tổ trưởng tổ dân phố 16C, phường Hòa Phát). Ông Ca đã nhanh chóng gọi điện khẩn cấp cho ông Trần Thọ (Bí thư thành ủy Đà Nẵng).
Những ngôi mộ được người dân tập kết, cải táng. |
Ông Đằng cũng cho biết thêm, mấy hôm trước, người dân lên và phát hiện ở tường đất bị xúc dở có nhiều phần hài cốt không nguyên vẹn. Người dân đã chủ động đi gom lại quy tập, phân loại, cải táng thành 10 ngôi mộ.
Gia đình ông Nguyễn Lư (77 tuổi, trú tổ 14C, phường Hòa Phát) có số mộ bị mất nhiều nhất, bàng hoàng khi nghe tin sốc này. Gia đình ông có 6 ngôi mộ trước được an táng ở khu vực sân bay Đà Nẵng. Sau đó, quân đội Pháp và Nhật lấy đất để làm sân bay, 6 ngôi mộ chuyển về khu nghĩa địa này, nhưng dưới sự quản lý của chính quyền Mỹ - Ngụy. Hòa bình, 6 ngôi mộ nhà ông cùng nhiều người khác được giao lại cho chư phái tộc và gia đình quản lí.
Người dân làm lễ cúng bái xin linh hồn gần 400 ngôi mộ được siêu thoát. |
“Thực sự khi nghe tin, tôi đã đến xem và thật xót xa, dòng nước mắt cứ ứa ra khi nhìn nơi chốn cất 6 ngôi mộ của gia đình mình và hàng trăm ngôi mộ khác bị san lấp thành bình địa. Không biết phiên dạt nơi đâu. Không tìm về lại cải tang chắc ông bà quở trách”- ông Lư cay đắng.
Không chỉ riêng gia đình ông Lư, mà hàng trăm người dân, thân nhân có phần mộ bị “biến mất” đều rất bức xúc và lên tiếng trước hành động vô đạo đức, thiếu hiểu biết của những người trong cuộc. Người dân và thân nhân của gần 400 ngôi mộ trên vẫn đang nóng ruột chờ đợi ý kiến và hướng giải quyết thấu tình đạt lý của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng.