Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/11, cổ phiếu MBB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank) đóng cửa tại mức giá 23.250 đồng/cp, tăng gần 24% trong vòng 1 năm qua. Khối lượng giao dịch rất sôi động khi bình quân hơn 4 triệu đơn vị/phiên.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này và nâng giá mục tiêu 6,3% đến từ việc đưa định giá đến cuối năm 2020, một phần ảnh hưởng bởi mức giảm 1,1% của tổng lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2019-2021.
Rủi ro với MBBank là chi phí tín dụng tăng ảnh hưởng từ MCredit |
VCSC tăng nhẹ dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2019 của MBB thêm 0,3% đạt 7,7 nghìn tỷ đồng (+24,3% so cùng kỳ) khi khi mức điều chỉnh tăng 6,3% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng bù trừ cho mức tăng 21,7% của chi phí dự phòng.
Đồng thời, giảm dự báo thu nhập thuần năm 2020 ở mức 0,8% còn 9,1 nghìn tỷ đồng (+18,7% so cùng kỳ), chủ yếu do phí dự phòng tăng liên quan đến việc mở rộng công ty con mảng tài chính tiêu dùng (MCredit).
Dù vậy, VCSC tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng cho vay năm 2019 của MBB ở mức 15% với kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp phát hành sẽ lấp đầy 17% hạn mức tăng trưởng tín dụng. Lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) tiếp tục tăng nhờ gia tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ và trái phiếu doanh nghiệp trong tổng IEA. Tuy nhiên VCSC cho rằng rủi ro gia tăng khi trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng đến từ ngành bất động sản.
Theo VCSC, rủi ro đối với MBB là gia tăng vốn thấp hơn dự kiến, chi phí huy động tăng trên mức 4,5% và rủi ro kinh doanh tại công ty con MCredit có thể dẫn đến chi phí tín dụng tăng. VCSC duy trì dự báo cho rằng đóng góp của MCredit trong tổng dư nợ hợp nhất của MBB sẽ duy trì ở mức thấp hơn 5%.
Tăng trưởng cho vay của MCredit sẽ chững lại khi CAGR đạt 33%
Phân tích sâu hơn, VCSC cho rằng, mảng cho vay bán lẻ truyền thống có cơ hội ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 20% trong giai đoạn 2018-2021F. MBB cho thấy phương hướng rõ ràng trong mảng cho vay bán lẻ với CAGR số dư gộp đạt 34% của các khoản vay bán lẻ truyền thống trong giai đoạn 2015-2018.
Trong 9 tháng 2019, mảng cho vay bán lẻ (không bao gồm MCredit) duy trì ở mức 37% dư nợ hợp nhất, vẫn thấp hơn mức được ghi nhận tại các ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ như Techcombank (48%), ACB (57%) và Sacombank (61%).
Do đó, VCSC nhận định rằng MBB sẽ tăng tỷ trọng mảng cho vay bán lẻ lên 41% trước thời điểm cuối năm 2021.
MCredit và trái phiếu doanh nghiệp đóng vai trò công vụ hỗ trợ gia tăng lợi suất IEA của MBB. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp gia tăng trong 9 tháng 2019 khi số dư tăng 74%, đạt 14,8 nghìn tỷ đồng.
Thu nhập lãi vay từ hoạt động đầu tư vào chứng khoán nợ tăng 42,9% so cùng kỳ, với lợi suất tăng đạt 6,5% trong 9 tháng 2019 (so với mức 5,2% cuối năm 2018).
Số dư trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh sẽ tiếp tục tác động tích cực đến lợi suất IEA năm 2020.
Các chỉ số tài chính của MBBank |
Ngoài ra, với 5,2% thị phần (2018) và đóng góp 3,1% cho dư nợ hợp nhất (9 tháng 2019), MCredit hiện tạo ra chênh lệch biên lợi suất tích cực cho lợi suất IEA khi phần lớn dư nợ của MCredit đến từ các khoản vay tiền mặt.
Hạn chế chi phí tín dụng và chi phí huy động là các yếu tố chính cho thu nhập lãi thuần (NII) sau dự phòng năm 2020. VCSC cho rằng tăng trưởng cho vay của MCredit sẽ bắt đầu chững lại khi CAGR khoản vay của MCredit đạt 33% trong giai đoạn 2018-2021 (đóng góp 4,0% cho dư nợ hợp nhất trước thời điểm cuối năm 2021) nhằm hạn chế chi phí tín dụng.
Về mặt chi phí huy động, tăng trưởng giấy tờ có giá sẽ chững lại trong năm 2020 khi dự phóng tăng trưởng cho vay chững lại của MCredit và kế hoạch chào bán 244 triệu USD trong quý 1/2020 sẽ giảm nhu cầu vốn cấp 2.