Ngày 10/3, Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã thông báo Ngân hàng Silicon Valley (SVB) - ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ - đã bị cơ quan quản lý đóng cửa do không kiểm soát được thanh khoản.
Trong giai đoạn 2019-2022, tiền gửi khách hàng tại SVB đã tăng từ 62 tỷ USD lên 198 tỷ USD và được đóng góp chủ yếu bởi số dư tiền gửi của các công ty khởi nghiệp (start-up) có trụ sở tại Mỹ.
Theo công bố từ SVB, chứng khoán nợ chiếm 55% tổng tài sản của ngân hàng vào giữa quý 1/2023, chủ yếu là chứng khoán trái phiếu Kho bạc Mỹ và chứng khoán do các doanh nghiệp được Chính phủ Mỹ đảm bảo phát hành với lợi suất trung bình thấp hơn lợi suất thị trường hiện tại.
Chênh lệch này tạo ra một khoản lỗ lớn chưa thực hiện cho SVB kèm theo việc rút tiền gửi của khách hàng tăng mạnh khi các doanh nghiệp cần nguồn vốn hoạt động trong bối cảnh chi phí vay tăng cao.
Ngày 8/3, SVB cho biết ngân hàng chịu áp lực phải (1) bán chứng khoán với khoản lỗ 1,8 tỷ USD với lợi suất trung bình là 1,79% so với lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện tại là khoảng 3,9% và (2) huy động tăng thêm vốn chủ sở hữu, điều này đã gây ra tác động tâm lý và dẫn đến một làn sóng rút tiền gửi tại SVB.
Diễn biến này đặt ra câu hỏi liệu việc nắm giữ TPCP của các ngân hàng ở Việt Nam, dưới tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, có thể gây ra những vấn đề tương tự làm giảm vốn chủ sở hữu của các ngân hàng và dẫn tới nhu cầu tăng vốn mới, từ đó có thể dẫn đến việc mất niềm tin vào các ngân hàng và gây sức ép lên thanh khoản cho hệ thống hay không.
VCSC trả lời cho câu hỏi này bằng việc phân tích một số điểm khác biệt chính giữa Việt Nam và Mỹ về rủi ro tiềm ẩn trong việc nắm giữ danh mục chứng khoán được Chính phủ bảo đảm của các ngân hàng.
VCSC cho rằng rủi ro của các ngân hàng Việt Nam khi nắm giữ TPCP có thể dẫn dến việc bắt buộc huy động thêm vốn mới là tương đối thấp do (1) quy mô TPCP trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Việt Nam tương đối nhỏ hơn, (2) quy định về kế toán ở Việt Nam đối với TPCP giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc ra quyết định đầu tư và (3) mức tăng lợi suất TPCP ở Việt Nam từ đáy gần nhất vào năm 2020 cho đến thời điểm hiện tại thấp hơn so với tại Mỹ.
Ngoài ra, lợi suất TPCP hiện tại ở Việt Nam thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trong 10 năm qua, trong khi lợi suất TPCP hiện tại của Mỹ ở gần với mức đỉnh trong 10 năm qua.
Với quy định kế toán linh hoạt hơn đối với TPCP, các ngân hàng Việt Nam ít áp lực phải bán TPCP hơn trong bối cảnh lãi suất tăng cao.
Trong Báo cáo này, VCSC cũng tiến hành phân tích độ nhạy để minh họa mức độ biến động của lãi suất có thể ảnh hưởng như thế nào đến giá trị của danh mục đầu tư TPCP.
Kết quả cho thấy lợi suất trái phiếu tăng 1% sẽ dẫn đến mức giảm tổng giá trị danh mục đầu tư TPCP của các ngân hàng theo dõi, tương đương khoảng 10%, 17% và 24% LNST năm 2022, với các giả định kỳ hạn tương ứng là 3, 5 và 7 năm.
Tuy nhiên, VCSC cho rằng việc buộc phải bán TPCP để đáp ứng nhu cầu thanh khoản là khó xảy ra do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều kênh để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng (ví dụ: (i) nghiệp vụ thị trường mở, (ii) tái cấp vốn, (iii) hoạt động tái chiết khấu, (iv) cho vay qua đêm áp dụng trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và (v) các hoạt động khác).
Sau vụ việc của SVB, NHNN đã công bố giảm một số lãi suất điều hành, và VCSC cho rằng điểm nổi bật là việc giảm lãi suất tái chiết khấu. Mặc dù có thể có sự trùng hợp về thời điểm, nhưng vụ việc SVB cũng có thể là một yếu tố đẩy nhanh động thái này.
Điều này có nghĩa là nếu có các vấn đề về thanh khoản, các ngân hàng có thể sử dụng TPCP làm tài sản thế chấp để huy động vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn mà không cần bán TPCP, điều này minh chứng cho quan điểm của chúng tôi rằng việc buộc phải bán TPCP để giải quyết các vấn đề về thanh khoản là khó xảy ra.
Ngoài ra, động thái này cho thấy NHNN đã sẵn sàng và nỗ lực ngăn chặn những thiệt hại hoặc áp lực không đáng có lên hệ thống ngân hàng trong nước mà có thể xảy ra do việc thắt chặt các chính sách tiền tệ sau sự sụp đổ của SVB và các sự kiện gần đây khác trên thị trường toàn cầu.