Ngoài hoạt động chính trong lĩnh vực ngân hàng, khá nhiều nhà băng trước nay vẫn có một “cánh tay phải” khác cũng trong ngành tài chính là công ty chứng khoán. Tuy nhiên, không phải công ty chứng khoán nào cũng phát huy được lợi thế sẵn có khi được rót vốn cả ngàn tỷ đồng hay bệ đỡ danh tiếng từ “mẹ” của mình.
Theo thống kê của VietnamDaily, 9 công ty chứng khoán có "người đỡ đầu" công khai là các nhà băng. Trong khi đó có 3 công ty chứng khoán có cùng một "chủ" hay là người có liên quan đến hai bên vừa là công ty chứng khoán vừa là ngân hàng.
Cũng trong 12 công ty chứng khoán liên quan đến ngân hàng mà chúng tôi thống kê được, có 8 đơn vị đã lên sàn chứng khoán. Điều đáng nói, giá cổ phiếu của những công ty này hầu hết dưới mệnh giá, ngoại trừ VCI, MBS và BVS có giá khả quan hơn.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2019, Chứng khoán Techcombank (TCBS) và Chứng khoán Bản Việt (VCI) chính là những gương mặt sáng giá nhất với lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt tới 476 tỷ đồng và 432 tỷ đồng dù vốn điều lệ chỉ thuộc hàng trung bình của ngành.
Trong đó, Chứng khoán Techcombank hoạt động rất mạnh trong mảng trái phiếu doanh nghiệp. Danh mục tài sản tài chính của TCBS giao dịch trong kỳ đều là các trái phiếu thuộc họ Vingroup (VIC, Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng, Vinhomes, Vinpearl) hay Masan (tập đoàn Masan, tài nguyên Masan)… Trong đó, trái phiếu Vinpearl mang lại lãi ròng nhiều nhất cho TCBS (khoảng 47 tỷ đồng).
Còn với Chứng khoán Bản Việt, mặc dù trong danh sách cổ đông lớn không có tên Ngân hàng Bản Việt nhưng cả hai tổ chức này đều có mối liên hệ chung đó là bà Nguyễn Thanh Phượng vừa là Chủ tịch của công ty chứng khoán vừa là Thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng.
Do TCBS chưa lên sàn chứng khoán nên không rõ định giá bao nhiêu, nên VCI chính là đơn vị dẫn đầu về thị giá chứng khoán hiện nay ghi xác lập mốc 35.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên 27/8.
Một số công ty chứng khoán có ngân hàng đứng sau |
Chứng khoán MB (MBS) và Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) chính là top 3 và 4 về lợi nhuận sau thuế 6 tháng 2019 khi lần lượt đạt 126 tỷ đồng và 115 tỷ đồng. Dù vậy, trong khi MBS ghi nhận giá cổ phiếu 15.500 đồng/cổ phiếu thì SHS lại nằm dưới mệnh giá tại mức 8.400 đồng/cổ phiếu.
Trong khi "ông lớn" ngân hàng mẹ là Vietcombank (VCB) hoạt ghi nhận lãi lớn trong 6 tháng 2019 thì Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng chỉ ở top 5 với hơn 70 tỷ đồng.
Ngược lại, Chứng khoán Agribank (AGR) mặc dù vốn điều lệ lớn nhất tới hơn 2.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả hoạt động chưa xứng khi lợi nhuận 6 tháng 2019 chỉ gần 50 tỷ đồng. Cổ phiếu AGR do đó cũng chỉ quanh mức trà đá gần 5.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoại trừ Chứng khoán ACBS hiện chưa tiết lộ tình hình kinh doanh 6 tháng thì Chứng khoán Sacombank (SBS) chính là công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận èo uột nhất trong nhóm, chỉ với gần 500 triệu đồng.
Nhưng một số liệu còn thảm hơn chính là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của SBS âm tới 1.309 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2019, sắp ngốn hết cả vốn chủ sở hữu.
Với thảm cảnh đó, đại hội cổ đông của SBS hồi tháng 4/2019 đã hợp nhất với bàn về việc hợp nhất với CTCP Chứng khoán HVS Việt Nam để tái cấu trúc tài chính.
Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được do chưa đảm bảo quyền lợi của cổ đông và hai bên chưa thống nhất phương án. Do đó, SBS vẫn áp dụng cơ chế cân đối thu chi đảm bảo ổn định và an toàn vốn,
Kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa này cũng khiến giá cổ phiếu SBS trên sàn UPCoM chỉ còn 1.400 đồng/cổ phiếu kết phiên 28/9.
Hay Chứng khoán Đông Á (DAS) cũng có lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 6/2019 tới 325 tỷ đồng, “ăn mòn” hết cả những đồn vốn mà Ngân hàng Đông Á (DongABank) đổ vào khi từ 500 tỷ đồng hiện chỉ còn hơn 203 tỷ đồng trong khoản mục vốn chủ sở hữu.
Nói thế để thấy rằng, không phải công ty chứng khoán nào có bộ sậu ngân hàng đứng sau là phát huy được lợi thế.
Và những mối quan hệ này cũng chính là con dao hai lưỡi trong bối cảnh “lậm” quá mức như SBS và DAS là một bài học điển hình cho sự ảnh hưởng dây chuyền.