Trào lưu tung clip đánh ghen
Tối 15.6, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi cảnh 4 người phụ nữ túm tóc, xé áo, dùng guốc đánh ghen một cô gái ngay trước cửa siêu thị BigC Hà Đông (Hà Nội). Mặc dù cô gái khóc lóc van xin, bảo vệ tòa nhà can ngăn nhưng nhóm phụ nữ vẫn hành hung cô gái với thái độ rất hung hăng... Vụ đánh ghen diễn ra khá lâu nhưng ngoài hành vi can ngăn nhẹ nhàng của một số người đàn ông, chủ yếu đám đông đứng xem diễn biến vụ việc. Nhiều người rút điện thoại ra quay mà không hề có động thái gọi điện báo cơ quan công an hoặc ngăn chặn.
Đây chỉ là một trong rất nhiều clip đánh ghen kinh hoàng được tung lên mạng Internet trong thời gian qua. Trước đó, tháng 2.2016, cộng đồng mạng cũng từng "dậy sóng" trước những clip đánh ghen với hình ảnh những người phụ nữ tham gia đánh ghen điên cuồng đánh đập, lột trần truồng "tình địch", cắt tóc, xát ớt vào người... xảy ra tại Vĩnh Long và Long An. Các đối tượng tham gia đánh ghen đều bị cơ quan công an bắt giữ sau đó.
Ảnh minh họa. |
Chỉ cần gõ chữ "clip đánh ghen" trên Google, ngay lập tức cho hàng trăm ngàn kết quả là những video clip và thông tin liên quan đến đề tài muôn thuở này. Thậm chí trên trang You Tube, những clip đánh ghen còn được biên tập thành chủ đề "Tuyển tập những clip đánh ghen hot nhất mạng xã hội...", "Những vụ đánh ghen lột đồ kinh hoàng nhất"... Điều đáng nói là những clip đánh ghen có tính chất man rợ, tàn bạo đều rơi vào các vụ việc mà cả người đánh ghen và người bị đánh ghen là phụ nữ. Cơn ghen đã khiến những người phụ nữ có chồng ngoại tình mất hết lý trí, hành động một cách bản năng.
Sau phút hả hê vì đã hạ nhục được "đối thủ", những người phụ nữ chọn cách đánh ghen để bảo vệ hạnh phúc gia đình, từ "nạn nhân" đã trở thành kẻ tội phạm. Nhiều vụ việc, người đánh ghen đã bị truy tố, xét xử trước pháp luật về các hành vi "Gây rối trật tự công cộng", "Cố ý gây thương tích" và "Làm nhục người khác"... Thế nhưng, đánh ghen với những đòn ghen kinh hoàng nơi công cộng vẫn xảy ra.
Mời độc giả xem video Đàn bà ghen thế này mới là “đỉnh của đỉnh". Nguồn Youtube:
Và trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, quay clip đánh ghen để tung lên mạng dường như trở thành một "trào lưu" với nhiều mục đích khác nhau. Đáng lưu ý, những clip đánh ghen này nhận được rất nhiều comment (bình luận) của người xem. Bên cạnh những ý kiến phản đối hành vi đánh ghen như vậy là vi phạm pháp luật thì phần lớn những bình luận lại hưởng ứng, cổ xúy cho việc đánh ghen, làm nhục người khác ở nơi công cộng.
Đặc biệt, thời gian gần đây, hiện tượng đánh ghen với các hành vi man rợ còn xảy ra ở ngay lứa tuổi thanh thiếu niên, thậm chí có cả clip quay cảnh các cháu gái mặc đồng phục học sinh cấp 2, cấp 3 tham gia đánh ghen. Đây là tiếng chuông báo động sự xuống cấp về đạo đức xã hội cần được ngăn chặn.
Hậu quả đánh ghen: Tất cả đều tổn thương
Theo Luật sư Hoàng Nguyên Bình (Văn phòng luật sư Bình An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý hành vi chia sẻ video clip đánh ghen chưa được kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội. Bởi hình ảnh cá nhân thuộc về quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ và được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự. Người đưa clip lên mạng đã vi phạm pháp luật dân sự về bí mật đời tư của người bị đánh ghen bởi lẽ video đưa hành vi ngoại tình chưa được chứng minh là có hay không.
Ngoài ra, có thể xem xét xử lý người tung clip nếu chứng minh được người tung clip ngay hoặc ngay sau vụ việc diễn ra vì lý do không chịu cứu giúp người bị nạn. Hiện tượng này cũng tương tự như đã xảy ra trong thực tế, khi có người bị thương trong các vụ TNGT hoặc đánh nhau, hoặc người sắp chết đuối thì thay việc cứu giúp, gọi cấp cứu hay công an, nhiều người chứng kiến lại đứng quay clip để tung lên mạng nhằm mục đích câu view, câu like mà lẽ ra nếu họ có ý thức gọi ngay nhà chức trách thì mạng sống của nạn nhân có thể đã được cứu sống.
Lý giải về hành vi cổ xúy cho việc đánh ghen diễn ra ở những nơi công cộng của người xem cũng như trên mạng xã hội, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý (Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam - Văn phòng trị liệu tham vấn trẻ em) phân tích, hiện nay, khi cái tôi cá nhân được đề cao thì hiện tượng ngoại tình xảy ra ngày càng nhiều. Nhà nghỉ mọc lên như nấm sau mưa cũng là để đáp ứng nhu cầu của những người ngoại tình. Đây là một thực tế đáng báo động.
Xét về mặt tâm lý, bản thân những người phụ nữ có chồng ngoại tình khi chứng kiến những vụ việc ngoại tình khác đều căm thù. Những người phụ nữ khác thì lo sợ chồng mình cũng đi theo "vết xe đổ" ấy. Từ lo sợ sẽ dẫn đến suy nghĩ cần phải lên án mạnh mẽ để hiện tượng ngoại tình, "cướp chồng" không xảy ra. Chính vì thế, có rất nhiều người, chủ yếu là phụ nữ sẽ nhiệt tình hưởng ứng, cổ xúy cho hành vi đánh ghen với mục đích "cảnh cáo" những người phụ nữ đã, đang và sẽ ngoại tình.
Thế nhưng, sai lầm của nhiều người phụ nữ là chỉ xử "tình địch" thôi, còn "người trong nhà" lại không xử lý. Lẽ ra, khi có chồng ngoại tình, việc đầu tiên người phụ nữ phải xử lý, giải quyết vấn đề trong gia đình mình trước. Bởi thông thường trong chuyện ngoại tình, người đàn ông chủ động nhiều hơn là phụ nữ. Chọn giải pháp đánh ghen "tình địch" khiến người đàn ông là người có lỗi nhiều thì đứng ngoài cuộc, còn những người phụ nữ lại lao vào "cắn xé" nhau, gây nên những cuộc đánh ghen hết sức phản cảm theo kiểu "nồi da xáo thịt". Kết cục là cả người đánh ghen và người bị đánh ghen đều bị tổn thương nặng nề.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng, trong xã hội hiện nay, tình trạng vợ, chồng ngoại tình đã và đang diễn ra rất phổ biến với các hình thức và mức độ khác nhau như qua quan hệ công việc, bạn bè, mạng xã hội... Pháp luật nghiêm cấm hành vi dùng vũ lực để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn nào phát sinh, không chỉ trong quan hệ hôn nhân gia đình.
Nếu người vợ phát hiện chồng mình có hành vi ngoại tình, vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình thì hoàn toàn có thể làm đơn trình báo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an giải quyết, xử lý theo pháp luật. Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2016 đã có những quy định cụ thể hơn về việc xử lý "Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng" nhằm mục đích răn đe, phòng chống các vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.
Mặt khác, hành vi đánh ghen, làm nhục người khác cũng không phải là một giải pháp để níu kéo hạnh phúc gia đình. Nhiều khi nó còn làm trầm trọng hơn quan hệ vợ chồng. Chúng ta sống trong một xã hội văn minh và hoạt động của con người đều phải dựa trên các chuẩn mực về pháp luật, đạo đức xã hội. Xét thấy quan hệ hôn nhân trầm trọng, vợ chồng không còn tình cảm, tôn trọng nhau thì có thể giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng, khi xảy ra ngoại tình trong gia đình, người phụ nữ phải nhìn lại xem cuộc hôn nhân của mình có vấn đề gì? xem mình có lỗi ở chỗ nào, chồng có lỗi chỗ nào để cùng xử lý. Nên "đóng cửa" bảo nhau sớm chứ đừng để mọi chuyện trở nên quá đà. Đánh ghen chỉ gây hậu quả tổn thương thêm cho phụ nữ mà thôi!