Mới đây, ông Trần Sỹ Thanh đã được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, giới thiệu để bầu chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Theo dự kiến, kỳ họp ngày 22/7 tới đây, HĐND TP Hà Nội sẽ tiến hành quy trình bầu ông Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội làm tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Nhiều độc giả thắc mắc, vậy quy trình bầu tân Chủ tịch Hà Nội sẽ diễn ra như thế nào?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là người đứng đầu thủ đô, đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương. Việc bổ nhiệm, quy trình bổ nhiệm, tiêu chuẩn bổ nhiệm phải theo quy định của pháp luật.
Ông Trần Sỹ Thanh được giới thiệu làm Chủ tịch Hà Nội. |
Theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương thì các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Luật sư Cường cho biết thêm, Hà Nội vừa là thủ đô, vừa là thành phố trực thuộc trung ương. Bởi vậy việc quản lý, tổ chức hoạt động không chỉ tuân thủ theo quy định chung của hiến pháp mà sẽ được thực hiện theo Luật thủ đô, Luật tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Luật tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III; Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III; Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.
"Chính quyền địa phương sẽ được tổ chức và hoạt động bởi hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Trong đó, hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử, được nhân dân bầu ra theo từng nhiệm kỳ với nguyên tắc trực tiếp, phổ thông, bỏ phiếu kín. Còn Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Ủy ban nhân dân tỉnh loại I có không quá bốn Phó Chủ tịch; tỉnh loại II và loại III có không quá ba Phó Chủ tịch. Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an", luật sư Cường cho hay.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Cường chia sẻ, quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quy định tại Nghị định số 08/2016/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 115/2021/NĐ-CP như sau: Trình tự, thủ tục báo cáo trước khi bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền về quản lý cán bộ.
"Đối với việc bầu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trừ thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) thì sau khi có kết quả nhân sự dự kiến của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Căn cứ quy định tại Nghị định này và quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân cấp quản lý cán bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn trình tự, thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Chủ tịch Hội đồng nhân dân giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân được bầu tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân phải là đại biểu Hội đồng nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân được bầu trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân. Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân. Khi bầu thành viên Ủy ban nhân dân tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, nếu có đại biểu Hội đồng nhân dân ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách đã được người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản này giới thiệu thì Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định", luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, ban kiểm phiếu bầu thành viên Ủy ban nhân dân gồm: Trưởng ban, Thư ký và các Ủy viên. Hội đồng nhân dân bầu Ban kiểm phiếu bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết công khai theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền ứng cử, đề cử người tham gia Ban kiểm phiếu. Thành viên Ủy ban nhân dân trúng cử khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tán thành.
Trong trường hợp bầu lần đầu nhưng không được quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tán thành thì việc có bầu lại hay không bầu lại thành viên Ủy ban nhân dân ngay trong kỳ họp do Chủ tịch Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định. Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về việc bầu thành viên Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân gửi 2 bộ hồ sơ kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định quy định tại Điều 5 Nghị định này.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện không phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu Hội đồng nhân dân tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn. Như vậy quy trình bầu thành viên Ủy ban nhân dân bằng hình thức bỏ phiếu kín và theo các bước nêu trên.
Luật sư Cường nhấn mạnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương, có các chức năng nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của luật tổ chức ủy ban nhân dân, nay là luật tổ chức chính quyền địa phương, có trách nhiệm tuân thủ hiến pháp và pháp luật.
Người đứng đầu thủ đô đòi hỏi phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, trình độ, có khả năng quản lý để phát triển kinh tế xã hội ở thủ đô, đưa thủ đô phát triển mọi mặt, xứng đáng là đầu tàu của cả nước. Bởi vậy quy trình, trình tự thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn của chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được quy định rất chặt chẽ, đầy đủ.Người dân thủ đô rất hy vọng lãnh đạo mới tới đây sẽ có những bước đột phá, đổi mới để không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân thủ đô, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường, đưa thủ đô Hà Nội xứng tầm là đô thị văn minh, lành mạnh và phát triển nhất cả nước.
>>> Xem thêm video: Ông Trần Sỹ Thanh giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội
(Nguồn: Truyền Hình Nhân Dân).