Quán quân về lợi nhuận trong nhóm xây dựng là CTCP Lizen (LCG) với lãi hơn 30 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ dù cho doanh thu giảm đến 48% do nhờ sự cứu cánh từ hoạt động tài chính.
Trong 9 tháng, doanh thu tài chính tăng đến 214,4 tỷ đồng lãi chuyển nhượng khoản đầu tư so với cùng kỳ không ghi nhận. Từ 28/3/2022 đến 29/6/2022, Lizen đã hoàn tất việc chuyển nhượng 72% vốn cổ phần CTCP Đầu tư Năng lượng Tái tạo Licogi 16 Ninh Thuận cho các đối tác và thay đổi mối quan hệ với công ty này từ Công ty con sang Công ty liên kết.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) thì ghi nhận 3.778 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 81% so với cùng kỳ. Các chi phí đều gia tăng, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng 63% lên 123 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp đột biến gấp 4,4 lần cùng kỳ lên 153 tỷ do giảm hoàn nhập dự phòng và tăng chi phí khác.
Các nguyên nhân trên khiến Xây dựng Hoà Bình ghi nhận lãi sau thuế quý 3 gần 5,5 tỷ tương đương cùng kỳ, lãi ròng đạt hơn 6 tỷ, giảm hơn 55%.
Với ông lớn được xem như là "kỳ phùng địch thủ" xưa nay của HBC là Xây dựng Coteccons (CTD) thì kết quả kinh doanh có phần tệ hơn khi báo lỗ 3,5 tỷ đồng. Nếu không ghi nhận khoản lợi nhuận khác gần 34 tỷ chủ yếu do hoàn nhập chi phí công trình phải trả lớn hơn chi phí thực tế phát sinh và một phần từ hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình thì CTD có thể lỗ đến hơn 30 tỷ đồng.
Theo báo cáo giải trình Coteccons, giá cả nhân công và nguyên vật liệu tăng cao cùng với việc Ban điều hành chủ động đánh giá và trích lập dự phòng đối với các dự án có rủi ro cao là nguyên nhân khiến biên lãi gộp giảm khiến lợi nhuận lao dốc.
Trái với tình cảnh khó khăn của các doanh nghiệp thì ở Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons), kết quả kinh doanh trong quý 3 cho thấy doanh thu thuần đạt 3.591 tỷ đồng, tăng đến 84% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận gộp 70 tỷ đồng, tăng 75%. Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ đạt hơn 26 tỷ đồng, gấp gần 3,3 lần cùng kỳ. Chi phí tài chính phát sinh 4,8 tỷ đồng, cùng kỳ không có khoản này.
Ngoài ra Công ty lỗ 4 tỷ đồng từ công ty liên kết, cùng kỳ lỗ 9,5 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận sau thuế quý 3 của Ricons đạt hơn 32 tỷ đồng, gấp đến 5,6 lần cùng kỳ.
Từ ngày biến động thượng tầng và về với chủ mới Kusto, CTD vẫn đang trong quá trình đi xuống. Năm 2021 thì đánh mất vị thế và đi sau HBC thì đến quý 3/2022 CTD còn bị Ricons vượt mặt.
Doanh nghiệp xây dựng tiếp tục bước lùi quý 3/2022. |
Còn với Fecon (FCN), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu ở mức hơn 2.205 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so cùng kỳ nhưng lợi nhuận lao dốc mạnh đến 80% về còn 14 tỷ đồng.
Lý giải về việc lợi nhuận sụt giảm, Ban lãnh đạo Fecon thừa nhận kết quả quý 3 lao dốc là do dư âm của bão giá còn rất mạnh đã đẩy chi phí thi công tăng phi mã.
Chưa kể, chính sách thắt chặt tiền tệ khiến các chủ đầu tư càng thêm khó khăn, các dự án đang triển khi cũng chỉ ở mức độ cầm chừng, nhiều dự án trong kế hoạch đấu thầu buộc phải dừng lại, từ đó sản lượng và doanh thu đều sụt giảm. Theo như lãnh đạo của Fecon, đây cũng là thực trạng chung của ngành xây dựng trong giai đoạn vừa qua.
Dòng tiền kinh doanh âm hàng trăm tỷ đồng
Không chỉ khó khăn về kết quả kinh doanh thu về thì các doanh nghiệp xây dựng này còn eo hẹp về dòng tiền của mình.
Trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của LCG chính âm 659,4 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 481,8 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 396,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 123,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Với Hoà Bình, tăng mạnh khoản phải thu là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn ghi nhận âm 1.331 tỷ 9 tháng đầu năm, cùng kỳ dương 896 tỷ. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 319 tỷ song dòng tiền từ hoạt động tài chính gần 1.501 tỷ đã giúp lưu chuyển tiền thuần trong kỳ chỉ âm 150 tỷ, cùng kỳ dương 117 tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CTD âm gần 2.000 tỷ đồng do Công ty tăng mạnh hàng tồn kho, phải thu và đầu tư chứng khoán kinh doanh 255 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh chứng khoán, Coteccons đã chi gần 40 tỷ mua chứng chỉ quỹ ETF KIM GROWTH VN30. Công ty cũng chi 30,4 tỷ mua cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB), chi gần 28 tỷ mua cổ phiếu của CTCP FPT (FPT) và 157 tỷ đồng để mua cổ phiếu của các công ty khác.
Ngoại trừ khoản đầu tư vào FPT tăng nhẹ vào thời điểm cuối quý 3 thì Coteccons đang phải trích lập dự phòng cho tất cả các khoản đầu tư chứng khoán với tổng gần 37 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh của Fecon trong 9 tháng ở mức âm hơn 162 tỷ đồng do tăng mạnh số tiền lãi phải chi trả và các khoản phải trả khác. Khoản lưu chuyển thuần trong kỳ âm gần 65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ gần 20 tỷ đồng.