Không chỉ là báo động đỏ
Ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày để nghe trình bày báo cáo và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm đang ở mức không còn chỉ báo động mà cần những hành động thiết thực hơn. Như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan trọng được nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm, việc ban hành các chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm và triển khai thực hiện trong thời gian qua còn có những vấn đề nổi lên, vì vậy Quốc hội đã lựa chọn nội dung giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 để tiến hành giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 3. Đây là chuyên đề giám sát rất lớn, quan trọng của Quốc hội.
Con số thống kê trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày sáng 5/6 khiến không ít người phải giật mình.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo. Ảnh VGP |
Cụ thể, báo cáo nêu rõ, tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do NĐTP/năm. Giai đoạn 2011 – 2016, đã ghi nhận 07 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.
Một trong những tồn tại trong việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng chỉ rõ như: Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý ATTP của Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các cấp chưa được thường xuyên; Đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP chưa đáp ứng yêu cầu; Kiểm soát ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm còn không ít tồn tại, yếu kém; Quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu;Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên được Đoàn giám sát của Quốc hội đó chính là việc thực thi, áp dụng các chế tài xử phạt còn nhẹ. Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 20% cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm bị xử lý và mức tiền xử phạt trung bình chỉ 200.000 đồng/vụ vi phạm. Theo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 cho thấy, dù nhiều vi phạm trong lĩnh vực ATTP, tuy nhiên, thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, Cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân đã khởi tố 01 vụ, 03 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP; khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP. Tòa án nhân dân các cấp từ ngày 01/10/2010 đến 30/9/2016 đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến ATTP, đã xét xử 313 vụ.
Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân chủ quan được chỉ rõ như: Sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, lãnh đạo quản lý ATTP chưa đúng mức; Phân công trách nhiệm chưa đi liền với tổ chức bộ máy và đầu tư kinh phí; Lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP hiện còn quá mỏng, đặc biệt là tuyến huyện, xã; việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm; Công tác xã hội hoá một số khâu dịch vụ công phục vụ QLNN về ATTP chưa được triển khai tốt; Việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý của sản phẩm...
Báo cáo nêu rõ, để xảy ra tình trạng mất ATTP như trên, trách nhiệm chính trước tiên thuộc về các cơ quan QLNN; tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, người tiêu dùng thực phẩm trong đó trách nhiệm chính thuộc về cơ quan QLNN và doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giám sát ATTP
Vấn đề an toàn thực phẩm thu hút đặc biệt sự quan tâm của các ĐBQH khi 70 đại biểu đăng ký xin phát biểu tại buổi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Đa số các ý kiến đều cho rằng,thực trạng trên rất đáng báo động bởi việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Đó là minh chứng rõ ràng chứng minh hiệu lực quản lý Nhà nước còn hạn chế. Thậm chí có ĐBQH còn trích câu nói nổi tiếng của ĐBQH khóa XIII Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói rằng “chưa bao giờ đường từ dạ dày đến nghĩa ngắn thế.”
Nhận thức một cách sâu sắc về vai trò vị trí hết sức quan trọng của công tác bảo đảm ATTP đối với phát triển kinh tế - xã hội, đối với sức khỏe người dân hiện tại và trí tuệ, thể lực trong tương lai, Đoàn giám sát Quốc hội đã đề xuất một số kiến nghị và giải pháp về vấn đề đang báo động đỏ.
Cụ thể, Đoàn giám sát Quốc hội kiến nghị sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống VBQPPL về ATTP nhằm góp phần nâng cao hiệu lực pháp lý, thống nhất và đồng bộ.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chính sách khuyến khích phát triển công nghệ chế biến nông sản theo hướng gia tăng giá trị.
Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị về công tác đảm bảo ATTP, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý chất lượng ATTP theo đúng phân cấp quản lý; tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn. Củng cố, kiện toàn các cơ quan QLNN về ATTP theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực.Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông làm thay đổi hành vi. Thông tin kịp thời, chính xác, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP. Kiểm soát chặt chẽ ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường. Xây dựng lộ trình xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực quản lý ATTP
Về các giải pháp nguồn lực, Báo cáo của Quốc hội cho rằng, cần bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho hoạt động QLNN về ATTP theo dự toán; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành ATTP, đặc biệt ở cấp huyện, xã và xử lý nghiêm các vi phạm, cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP. Xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng ATTP;Tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ chuyên trách ATTP cả ở Trung ương và địa phương; đẩy mạnh công tác đào tạo tại các trường đại học, có mã ngành đào tạo về ATTP. Tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực vận động sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế cho công tác bảo đảm ATTP.
Trên cơ sở đó, Báo cáo kiến nghị Quốc hội nan hành Nghị quyết kết quả hoạt động giám sát về đẩy mạnh việc thực thi chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016 – 2020; xem xét sửa đổi một số văn bản pháp luật có liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý ATTP; yêu cầu Chính phủ hàng năm phải báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm vào kỳ họp cuối năm.