Trước đó, chất lượng mặt sân cỏ cũng đã được cảnh báo, từ Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều sân khác. Người hâm mộ cũng thấy vậy, từ trực tiếp trên khán đài hay qua màn hình.
Lại ở chỗ, VPF và CLB chủ sân không thấy vậy.
Thông thường, trước mùa bóng mới VPF vẫn thường có các đoàn kiểm tra, khảo sát chất lượng sân bãi với mục đích xác định các sân bóng đạt chuẩn mới được tổ chức các trận đấu tại V.League. Vậy mà, đã 4 lượt đấu đã qua, trừ SLNA đã có động thái cải tạo mặt sân, thảm cỏ, còn lại vẫn đá như “đạt chuẩn” vậy.
Hệ lụy của mặt sân xấu rất dễ dự báo: tiềm ẩn nguy cơ chấn thương cho cầu thủ, ảnh hưởng chất lượng của trận đấu, và làm… xấu mặt cả V-League!
Sân Pleiku không quy mô, nhưng mặt sân tuyệt đẹp. |
Vẫn biết, muốn mặt sân tốt, phải có tiền, đặt biệt là được sự đồng ý của cơ quan quản lý địa phương. Tiền thì có đó, bởi không có lấy đâu ra để rinh về HLV, cầu thủ hưởng lương khủng?. Sự đồng ý của địa phương ư? Sao lại không có, bởi có ai nỡ từ chối khi người xin phép “tự túc” hoàn toàn?
Nói thẳng ra, ngoài yếu tố “đầu tiên” và một vài nguyên nhân khác, sân xấu cũng từng là một… lợi thế!. Dĩ nhiên, người hưởng lợi không ai khác là đội chủ nhà, quen cày “ruộng”. Mặt sân trơ trụi, đất cát chen cỏ … là nỗi ám ảnh cho những đội bóng có lối chơi kỹ thuật, dựa trên mảng miếng phối hợp, đặc biệt là sở hữu những đôi chân tiền tỷ…Cái kiểu ta đây “lấy nồi đất đổi nồi đồng” là kiểu ứng xử của những ai yếm thế, hay tự thấy mình không bằng đối thủ.
Vậy sao sân Hàng Đẫy cũng xấu? Hà Nội FC có phải CLB yếu đâu, nghèo đâu?. Trước đó cũng có tệ vậy không?. Thậm chí, theo đăng ký của các CLB với VPF, sân Hàng Đẫy được cho là sân nhà của cả Viettel và Công an Hà Nội, những đội bóng không yếu và không nghèo. Câu hỏi đặt ra có phải là “cha chung không ai khóc”?
Rất may, cho đến hiện tại, chưa có CLB nào khẳng định có cầu thủ bị chấn thương vì thi đấu trên mặt sân xấu. Song tương lai thì chưa chắc. Đình Duy của SHB Đà Nẵng chắc hẳn sẽ rất hối hận vì chiếc thẻ vàng nhận trên sân Thanh Hóa, nhưng không khỏi ấm ức chỗ cát cận điểm phạt góc khiến cả người trượt dài sau pha ham bóng biến thành lỗi vào bóng thô bạo. Cũng sân này Đ. Thanh Hóa và SLNA bất lực trong tìm kiếm bàn thắng. Sân Hàng Đẫy đêm 17-2 cả Hà Nội FC lẫn Thanh Hóa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Rất hiếm những pha phối hợp đẹp mắt trong cả 2 trận đã nói. Rõ ràng sân xấu làm xấu cả trận đấu.
Từ chuyện cầu môn, mặt cỏ sân Mỹ Đình trong trận giao hữu đội tuyển quốc gia với CLB Dortmund, từ sân tỉnh lẻ Thanh Hóa ra sân của một đô thị đặc biệt như thủ đô Hà Nội, đã quá đủ để ngán ngẩm để nghĩ về hai tiếng chuyên nghiệp. “Xấu chàng hổ thiếp”, lý do lại được đẩy cho… ông trời. Quá mơ hồ và rất diệu vợi.
V-League 2023 sẽ có quãng nghỉ hơn 1 tháng. Khi trái bóng quay trở lại, sẽ rất ngạc nhiên nếu như các CLB chỉ lo chấn chỉnh nhân sự, chiến thuật mà lãng quên việc “đại tu” sân thi đấu. Cũng sẽ rất bất thường khi những sân bóng “vũ như cẩn” vẫn được VPF “lơ đẹp”.Nếu cứ thế, e có một ngày những người nông dân chân chất sẽ yêu cầu đính chính về sự “xúc phạm” lấy “ruộng yêu”của mình để so sánh với sân bóng.