Quả hồng giúp chữa bệnh đái dầm ở trẻ hiệu quả. |
Cây hồng còn gọi là thị đinh, hay mác pháp, có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc nhập vào nước ta, trồng chủ yếu miền Bắc. Hồng có nhiều giống, ở ta thường trồng hai loại là hồng chín và loại hồng ngâm. Hồng chủ yếu trồng lấy trái ăn, làm mứt, ngoài ra các bộ phận khác như vỏ, rễ thân có thể sử dụng làm thuốc.
Theo y học cổ truyền, quả hồng có vị ngọt chát, tính bình, tác dụng bổ tỳ thận, nhuận phế, tiêu đờm. Chữa trị tiêu chảy, trĩ, đái dầm, miệng háo khát, ho đờm, đau đầu chóng mặt nôn mửa... Tai hồng (thị đế) vị đắng chát tính ôn, tác dụng ôn trung hạ khí, chữa trị nấc cụt, tiêu chảy đau bụng. Vỏ rể, vỏ thân tác dụng cầm máu.
Theo dược tính hiện đại, quả hồng chín có lượng đường rất cao, từ 14 - 20% gồm các đường như glucose, sarcharose, fructose và caroten, lycopen, các muối Fe, Ca, P, vitamin A, B, C và nhiều chất tannin. Tài liệu gần đây còn cho biết, quả hồng có chứa chất Shibuol là hỗn hợp của axit gallic và phloroglaciol, có tác dụng làm hạ huyết áp. Sau đây là một số phương thuốc chữa bệnh từ cây hồng.
* Chữa đau cổ họng, ho, họng khô ngứa: Quả hồng chín đun nhỏ lửa ép nước chảy ra cho vào khuôn phơi se dùng dao cắt phơi khô (thị sương) ăn ngày vài lần.
* Chữa bệnh đái dầm ở trẻ: Lấy 7 - 9 tai hồng phơi khô sắc uống.
* Chữa nấc cụt, bụng đầy: Tai hồng 8g, đinh hương 8g tán bột pha nước sôi, hoặc sắc uống.
* Chữa cao huyết áp: Dùng quả hồng gần chín ép lấy nước rồi phơi hoặc sấy khô uống còn gọi là thị tất.