Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil, UPCoM: OIL) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022 với lợi nhuận sau thuế chênh lệch tăng thêm hơn 100 tỷ đồng.
Cụ thể, tại báo cáo kiểm toán chỉ tiêu doanh thu thuần vẫn ở mức 104 tỷ đồng, song doanh thu hoạt động tài chính điều chỉnh tăng gần 3% lên mức 567 tỷ đồng. Việc doanh thu tài chính của PVOil có sự biến động do khoản mục lãi chênh lệch tỷ giá tăng từ 118 tỷ lên 134 tỷ đồng sau kiểm toán.
Cơ cấu doanh thu tài chính và chi phí tài chính của PVOil |
Thêm vào đó, chi phí tài chính lại giảm gần 2% về mức 330 tỷ đồng. Lãi liên doanh liên kết cũng điều chỉnh giảm 57% về vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 11% khi chiếm 162 tỷ đồng.
Với những điều chỉnh đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của PVOil tăng thêm 19% (tức 103 tỷ) lên 651 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 7,6% so năm 2021, trong khi kết quả công bố trước đó lại suy giảm 9%.
Đề xuất khoản đầu tư vào Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí từ 273 tỷ về 0 đồng
Cũng tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán đã đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh liên quan đến các khoản mục trên báo cáo cáo tài chính của PVOil.
Thứ nhất, tại thời điểm cuối năm 2022, PVOil đang ghi nhận phải thu khác từ PVN số tiền gần 170 tỷ đồng, số dư phải thu khác này liên quan đến khoản thu hồi lỗ lũy kế đến ngày 18/5/2011 là thời điểm công ty con Petec chuyển sang CTCP. Khoản phải thu ngày phát sinh từ việc xác định phần vốn Nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa được PVN và các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán.
Thứ hai, khoản mục nguyên giá tài sản cố định vô hình bao gồm giá trị các lô đất của công ty con CTCP Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (PVOil Sài Gòn) với số tiền 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất chưa được cấp, sang tên và các lô đất có quyền sử dụng đất đã hết hạn nhưng chưa được gia hạn chứng nhận quyền sử dụng đất cho PVOil Sài Gòn.
Thứ ba, giá trị khoản đầu tư vào CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB, dự án Ethanol Phú Thọ) được phản ánh theo phương pháp vốn chủ sở hữu trên BCTC hợp nhất là 273 tỷ đồng. Trong khi CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí đã được đề nghị xem xét phương án giải thể, phá sản theo quy định. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ các thông tin về những thay đổi trong phần vốn góp của PVOil vào tài sản thuần của đơn vị này.
Về vấn đề này, PVOil cho biết đã có văn bản trình PVN đề xuất được xác định lại khoản đầu tư này về mức 0 đồng khi thực hiện quyết toán cổ phần hóa (được hiểu là loại khoản đầu tư này ra khỏi CTCP).
Trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản dự án, nếu có phát sinh thu hồi từ thanh lý tài sản tại Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVOil sẽ nộp toàn bộ về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Chính phủ đã đồng ý việc đưa dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ ra khỏi danh sách theo dõi, xử của Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ... Đồng thời giao PVN chủ động quyết định và thực hiện theo thẩm quyền và quy định việc xử lý, cơ cấu lại đối với dự án. Do không thể thực hiện thẩm định giá trị doanh nghiệp làm cơ sở để lập phương án thoái vốn khỏi PVB nên việc triển khai thoái vốn không thể thực hiện được.
Hiện PVOil đang làm việc với các cổ đông PVB và các bên có liên quan như ngân hàng tài trợ vốn, toà án... để xem xét, quyết định phương án xử lý.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, PVOil ghi nhận khoản góp vốn vào Petec lớn hơn giá trị Petec đang theo dõi và hạch toán với số tiền 111 tỷ đồng. Ban giám đốc PVOil tin rằng khoản chênh lệch này sẽ được xử lý khi Petec thực hiện xong công tác quyết toán cổ phần hóa. Theo đó, Ban Tổng giám đốc đã quyết định điều chỉnh tăng vốn tại công ty con để loại trừ khoản chênh lệch này trước khi thực hiện hợp nhất BCTC.
Đồng thời, báo cáo tài chính hợp nhất kèm theo chưa bao gồm các điều chỉnh (nếu có) liên quan đến việc quyết toán công tác cổ phần hóa công ty mẹ do PVOil chưa có biên bản phê duyệt quyết toán cổ phần hoá tại ngày công ty mẹ chính thức chuyển thành công ty cổ phần.