Theo BCTC hợp nhất quý 3, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, PVD) ghi nhận hơn 1.242 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn tăng nhiều hơn khiến lãi gộp theo đó giảm 2% xuống còn 117 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp co lại đáng kể từ 12% cùng kỳ năm trước xuống còn 9%.
Doanh thu tài chính giảm mạnh 53% xuống 26 tỷ đồng, trong đó khoản lãi tiền gửi và lãi tỷ giá đều giảm mạnh. Ngược lại, chi phí tài chính lại tăng gấp đôi lên 87 tỷ đồng, trong đó khoản lỗ tỷ giá hơn 41 tỷ đồng, ngoài ra khoản lãi tiền vay xấp xỉ ngưỡng 45 tỷ.
Chi phí bán hàng tăng mạnh lên 11 tỷ đồng từ mức 1 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 9% lên 92 tỷ đồng.
Kết quả, PVD lỗ sau thuế 52 tỷ đồng, trong đó phần lỗ cổ đông công ty mẹ chiếm gần 34 tỷ đồng.
PVD tiếp tục có quý làm ăn thua lỗ. |
Theo giải trình, doanh thu tăng do đơn giá cho thuê giàn khoan và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu tăng so với cùng kỳ, cộng thêm sự đóng góp doanh thu của giàn khoan PV Drilling V đang thực hiện chiến dịch khoan cho Brunei Shell Petroleum.
Doanh thu còn tăng từ giàn thuê, ngoài ra còn cấn trừ giảm doanh thu các dịch vụ liên quan đến khoan do khối lượng lượng công việc giảm.
Tuy vậy, lơi nhuận sau thuế vẫn ghi nhận âm do việc giảm mạnh các khoản lợi nhuận từ các dịch vụ liên quan đến khoan và lợi nhuận từ các công ty liên doanh do giảm doanh thu; đồng thời chi phí tài chính tăng mạnh do tỷ giá đồng USD tăng cộng thêm biến động Libor làm tăng chi phí lãi vay.
Lũy kế 9 tháng, PVD báo doanh thu 3.923 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Công ty lỗ 151 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ lỗ khoảng 30 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của PVD đạt 20.897 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong đó gần 1.500 tỷ là khoản tiền và tương đương tiền.
Nợ phải trả đạt hơn 6.700 tỷ đồng trong đó nợ vay chiếm hơn 3.900 tỷ đồng, phần lớn là nợ dài hạn.