Theo đó, Ban lãnh đạo POW đã thông qua phương án chuyển nhượng toàn bộ gần 20 triệu cp sở hữu tại PVM. Lượng cổ phiếu này chiếm 51% vốn điều lệ của PVM.
Cổ phiếu PVM phản ứng tích cực với thông tin này, tăng trần 14,6% lên 24.400 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh 735.000 đơn vị, nằm trong số những phiên khớp lệnh cao nhất từ trước đến nay. Tạm tính với mức giá này, PV Power có thể thu về 486 tỷ đồng.
Về câu chuyện thoái vốn khỏi PVM, trước đó tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 22/12/2020, có cổ đông từng ví công ty con này đang là “gà đẻ trứng vàng” cho POW khi sở hữu các liên doanh hàng năm đem về khoản lợi nhuận gần 100 tỷ đồng và nhiều khu “đất vàng” tại Hà Nội.
Ban lãnh đạo chỉ ra việc thoái vốn tại PVM thực hiện theo lộ trình tái cơ cấu của POW, đã được ĐHĐCĐ năm 2019 thông qua.
POW đã chốt phương án thoái vốn PV Machino. |
Về PV Machino, công ty này sở hữu 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% vốn tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% tại Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô Showa Việt Nam.
Hoạt động của 3 liên doanh đều rất hiệu quả nhờ nhu cầu ổn định, hàng năm mang lại cho PV Machino thu nhập cổ tức đều đặn trên 80 tỷ đồng. Năm 2020 công ty có lợi nhuận trước thuế tăng 10% lên 51 tỷ đồng.
PV Machino cũng quản lý và sử dụng nhiều bất động sản như 1.828 m2 đất tại số 8 Tràng Thi (Hoàng Kiếm, Hà Nội), lô đất 23.600 m2 tại đường Đào Cam Mộc (Đông Anh, Hà Nội). PVM còn liên doanh với Công ty Bách Hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (khu nhà Hàm Cá Mập).