Nóng chuyện điều hòa và phí tự nguyện
Cũng giống như các năm học trước, trước lễ khai giảng năm học 2017-2018 này, nhiều khoản thu đầu năm học được coi là khá phi lý khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Năm nay, chuyện được bàn ra tán vào nhiều nhất chính là chuyện đóng điều hòa và phí tự nguyện. Cái phi lý trong chuyện lắp điều hòa cho các con là ở chỗ nhiều trường lớp đã lắp cả chục năm nay rồi. Thế nhưng, vì sao lớp đầu cấp nào các con cũng phải đóng tiền mua mới điều hòa?
Các khoản thu đầu năm là gánh nặng của nhiều phụ huynh có con đang tuổi đến trường (ảnh minh hoạ). Ảnh: A.C |
Chị Thu Dương phụ huynh học sinh Trường Tiểu học H.D (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Năm nay, con tôi vào lớp 1, Trường Tiểu học Hoàng Diệu. Mặc dù nhà trường chưa tổ chức họp phụ huynh nhưng đã được thông báo sẽ phải đóng tiền mua điều hòa và máy chiếu là 750.000 đồng. Lớp tận hơn 50 cháu, số tiền thu được không phải nhỏ.
Một phụ huynh khác trường này cũng thắc mắc, cháu gái của tôi cũng vừa hết lớp 5 tại trường này và khi học xong các lớp đều để lại máy chiếu và điều hòa cũ. Vậy tại sao trường không sử dụng điều hòa này luôn mà vẫn yêu cầu đóng mới. “Tôi cũng không chắc chắn con mình có thực sự được dùng đồ mới hay không và liệu điều hòa và máy chiếu dùng 5 năm liệu có hỏng, sau khi các con hết cấp, số vật dụng này được sử dụng vào mục đích gì?” - chị Dương băn khoăn.
Còn chị T.T.L phản ánh tại Trường Tiểu học V.C (Hoài Đức, Hà Nội) năm ngoái vào lớp 1, học sinh đã đóng tiền mua điều hòa rồi. Năm nay lên lớp 2, không đóng tiền mua điều hòa nữa, mà là tiền thay điều hòa công suất lớn hơn. Tức là lớp cũ thì dùng điều hòa công suất thấp, sang lớp mới này dùng điều hòa công suất cao hơn lớp cũ nên phải đóng thêm tiền. Mặc dù điều hòa cả lớp cũ và lớp năm nay đều là điều hòa cũ.
Không chỉ đầu cấp, nhiều trường thu cả những học sinh lớp 9. Chị T.A - phụ huynh học sinh Trường THCS Quỳnh Mai (Hà Nội) - bức xúc nói: Tưởng đầu cấp học sinh mới phải đóng, đây con tôi năm nay đã vào lớp 9 nhà trường vẫn yêu cầu đóng 500.000 đồng/học sinh để mua điều hòa. Trong khi, các cháu chỉ còn học vài tháng.
Câu chuyện về đóng góp tự nguyện, nhưng thực chất là trên danh nghĩa bắt buộc cũng khiến nhiều phụ huynh bức xúc cùng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì sợ con mình bị giáo viên ghét. Tự nguyện thường được hiểu là có bao nhiêu đóng bấy nhiêu, việc đóng góp phải thực sự tùy tâm.
Tuy nhiên, thực tế lại khác, việc đóng góp tự nguyện đưa ra sẵn “mức sàn”, dù muốn hay không, phụ huynh cũng phải đóng ít nhất theo “sàn” đã định. “Con tôi năm nay cũng vào lớp 1. Nhà trường có giấy đóng phí tự nguyện ủng hộ trường. Nói là tự nguyện mà theo yêu cầu của cô giáo là mỗi cháu ít nhất 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, các khoản xây dựng trường, lắp điều hòa, vẫn phải đóng đầy đủ” - phụ huynh tên Phụng cho hay.
Phụ huynh tên Nguyễn Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bức xúc: Con nhà tôi chỉ vào mầm non thôi, chưa họp phụ huynh nhưng đã đóng khoản gọi là đóng góp cho trường. Nhà trường đề nghị tuỳ tâm phụ huynh nhưng ít nhất phải là 500.000 đồng.
Muôn vàn kiểu lạm thu trá hình
Theo ghi nhận, mới chỉ có một số ít trường triển khai họp phụ huynh và thông báo thu phí đầu năm, còn lại đa số đợi 1-2 tuần lễ cho học sinh ổn định mới tiến hành thu. Tuy nhiên, nhiều trường tìm cách lách luật bằng việc chia nhỏ các khoản để thu trên tinh thần “tự nguyện” trước khi bắt đầu họp phụ huynh.
Năm nay, nhiều địa phương thông báo không yêu cầu học sinh mua đồng phục mới nên chị Thu Dương (Liễu Giai, Hà Nội) đã hí hửng xin cho con bộ đồng phục của các bạn đã ra trường vì nghĩ rằng sẽ tiết kiệm được một khoản nhất định. Thế nhưng, chưa kịp vui mừng, chị Dương đã nhận được thông báo từ giáo viên chủ nhiệm là năm nay nhà trường sẽ đổi mẫu đồng phục nên yêu cầu phụ huynh đăng ký. “Đây liệu có phải là cách lách luật hay không khi bỗng nhiên nhà trường lại đổi mẫu đồng phục” - chị Dương đặt câu hỏi.
Một phụ huynh (Kim Mã, Hà Nội) có con học tại trường THCS Thăng Long (Hà Nội) cũng phản ánh: Nhà trường bây giờ giống như cái chợ khi cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Học sinh chỉ việc đến học thôi, mọi việc đã có giáo viên lo. Từ sách giáo khoa, giấy kiểm tra, vở viết cũng đều “đồng phục” với mức giá cao hơn so với giá thị trường - phụ huynh này cho hay.
Chị Nguyễn Hạnh (30 tuổi, Thanh Hóa) cũng cho biết: Nhà tôi năm nay có con vào lớp 1, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh. Ngoài các khoản thu như học phí, các loại quỹ, học sinh đi học phải nộp tiền đóng bàn ghế mới, tiền hỗ trợ làm sân trường, mặc dù sân trường đã làm cách đây 4 năm và đang sử dụng tốt, tiền máy chiếu… Tôi cho rằng đây là những khoản thu hết sức vô lý.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng phản ánh vô vàn các khoản thu trái khoáy khác như: Tiền vệ sinh, bảo vệ trường, tiền nước uống, tiền quỹ lớp, tiền quỹ hội phụ huynh lớp, tiền quỹ hội phụ huynh trường… đấy là các khoản cứng đầu năm. Suốt năm học, phụ huynh phải đóng thêm nhiều khoản khác thu lẻ tẻ như: Hỗ trợ phòng tin học, tiền văn nghệ, thể thao, mua thêm quạt, sơn lại lớp, đóng thêm bàn ghế do bàn ghế cũ hỏng, mắc lại điện, bóng đèn, mua thêm chậu nước, bút viết bảng, sổ liên lạc điện tử… Nhiều khoản nghe thôi cũng thấy “mắc cười” như tiền thưởng nóng, tiền mua loa đài cho trường, tiền hỗ trợ mái che nhà xe giáo viên…
Biết là vô lý nhưng nhiều phụ huynh cũng “tặc lưỡi’ cho qua: “Nói chung, có con đi học thì tháng nào cũng phải đóng một khoản gì đó. Không đóng không được, vì cô giáo bảo: “Em đóng giúp chị, nếu không chị phải bỏ tiền túi ra vì nhà trường đã phân công rồi”. Thương cô giáo quá, vừa làm giáo viên vừa phải đòi nợ thuê, đang làm một nghề cao quý mà bị buộc làm như đi đòi nợ thuê”.
Chị Bùi Ánh (Kim Ngưu, Hà Nội) bật mí: “Năm nay, bộ, sở đang làm gắt nên tôi thấy các phụ huynh rỉ tai nhau là đầu năm sẽ thu ít hơn nhưng nhà trường sẽ rải đều thu vào các đợt khác nhau. Bức xúc là thế nhưng phụ huynh đều không dám phản ứng hoặc phản ứng xong vẫn phải đóng, bởi muốn cho con được yên ổn học tập. Lâu dần, thành thông lệ khó sửa.
Bộ GDĐT nghiêm cấm khoản thu “ngoài luồng”
Bộ GDĐT vừa có văn bản đã đề nghị các cơ sở đào tạo giãn thời gian, tránh thu cùng một thời điểm đối với các cấp học để hạn chế tối đa tác động của học phí đến chỉ số giá tiêu dùng. Bộ cũng đề nghị tiết giảm chi phí hoạt động, hạn chế thu các khoản thu ngoài học phí. Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng yêu cầu nhà trường phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo công khai, minh bạch, có cơ chế để cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên và các tổ chức khác tham gia giám sát toàn bộ hoạt động của nhà trường.
Lãnh đạo Bộ GDĐT còn đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học. Các địa phương phải tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm.