Gửi em, cô giáo của con gái chị!
Chị còn nhớ cách đây gần một năm, vào cái ngày bé Thảo Nhi trở lại tựu trường. Đưa bé Nhi tới trường trở về, anh tỏ ra bức xúc: “Năm nay con có cô giáo chủ nhiệm mới. Chả hiểu cái cô Ngọc này người ở đâu, như thế nào. Ai gì mặc váy ngắn cũn, mắt xanh mỏ đỏ, móng tay thì dài ngoằng đỏ choét, trông chẳng khác gì cave. Môi trường sư phạm mà nhà trường cũng chấp nhận cho giáo viên như thế thì dạy dỗ học sinh nỗi gì. Anh thấy dị ứng kinh khủng cái dạng giáo viên lố lăng như thế”.
Chỉ vì một lời nói cũng khiến con người tổn thương và thù hận
Chị cười trêu anh: “Giáo viên giờ khác rồi, còn đâu thời đeo mục kỉnh mặc áo dài trùm đất nữa. Cô giáo có ăn mặc mát mẻ thế thì các nam phụ huynh mới chịu khó đi họp cho con chứ!”. Anh chẹp miệng lắc đầu: “Cô Oanh chủ nhiệm năm ngoái của con đâu có thế, người ta vẫn chỉn chu đàng hoàng”. “Ôi dào, em thì không quan tâm ăn mặc ra sao. Chỉ cần cô dạy tốt và quan tâm đến học sinh là được”, chị gạt đi. “Vâng, để em có thể đẩy hết trách nhiệm dạy con cho cô, còn em rảnh chân đi công chuyện của em chứ gì”, anh dài giọng nói.
Chị cười đấu dịu trước lời trách cứ bóng gió của anh. Quả thật công việc của chị ở công ty nước ngoài rất bận rộn, ngày nào cũng bù đầu từ sáng đến tối muộn mới về đến nhà. Quỹ thời gian dành cho gia đình của chị không nhiều nên đôi lúc cũng mong con có cô giáo tốt để chị không phải lo lắng tới chuyện học hành của con.
Chị đi làm về thấy anh có vẻ bực tức. “Hôm nay anh đi họp cho con thế nào, có gì mới không?”. “Thôi đừng hỏi nữa thêm bực mình. Trong buổi họp anh đã đứng lên phê phán cách ăn mặc của cô chủ nhiệm và đề nghị cô ta phải thay đổi. Anh cũng nói thẳng nếu không sẽ yêu cầu nhà trường đổi giáo viên chủ nhiệm lớp con. Anh góp ý như vậy nhưng cô ta không chịu rút kinh nghiệm mà còn nói anh phải tôn trọng cách ăn mặc của người khác. Mấy đứa phụ huynh cũng hùa theo bảo vệ cô ta. Đúng là một lũ xu nịnh không thể tải nổi”, anh hậm hực. “Chết dở, sao anh làm thế. Anh không sợ cô giáo sẽ trù con mình sao. Từ giờ về sau đi họp cho con anh đừng phát biểu linh tinh nữa”, chị nhắc.
Lo lắng cô giáo sẽ gây khó dễ cho bé Nhi, chị lẳng lặng mua một túi quà đến tặng để xoa dịu em. Gặp em nhưng ấn tượng của chị đối với em không giống anh. Có lẽ môi trường của chị làm việc mọi người cũng ăn mặc thoải mái và tư tưởng của chị đối với cuộc sống khá thoáng. Chị thấy vẻ ngoài của em không đến nỗi quá lố. Thậm chí chị còn có thiện cảm với em qua cách ăn nói nhẹ nhàng và dễ chịu. “Chị yên tâm, em không để bụng chuyện anh nói đâu. Em sẽ quan tâm đến cháu Nhi”, em nói.
Em đã trấn an chị như vậy nhưng chị vẫn thấp thỏm không yên. Mấy ngày liền, chị đều dò hỏi bé Nhi xem cô giáo đối xử với con ra sao. Chỉ khi liên tục nhận được câu trả lời của con: “Cô giáo rất tốt với con, không bao giờ đánh mắng” và thấy điểm số của con vẫn cao, chị mới thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng một điều chị không bao giờ ngờ tới là từ thời điểm này, sự hiện diện của em trong cuộc sống gia đình chị ngày càng nhiều. Chị đi công tác nước ngoài một tuần trở về, anh kể: “Anh không dám gọi cho em sợ em lo lắng. Hôm thứ Ba đang học ở trường, con bị đau bụng tiêu chảy phải vào viện cấp cứu. May có cô Ngọc đưa con vào sớm, lại còn ở bệnh viện qua đêm giúp chăm sóc con không thì một mình anh cũng không biết xoay thế nào. Cô ấy trông thế mà tốt thật”. Khi biết con đã khỏe lại, chị bảo: “Đấy, anh cứ trông mặt mà bắt hình dong cơ. Người ta tử tế như thế mà còn đòi đổi giáo viên khác".
Ảnh minh họa |
Cho đến một ngày, bé Nhi nói: “Hôm nào mẹ về sớm đi ăn KFC với xem phim nhé. Con với ba và cô Ngọc đi vui lắm”. Chị chột dạ, vội dò hỏi con. Chị ngỡ ngàng khi biết hầu như tuần nào em và hai cha con bé Nhi cũng gặp nhau đi ăn uống và xem phim. Anh còn đưa bé Nhi đến nhà em ăn cơm trong những lần chị đi công tác nước ngoài. Chị lờ mờ nhận ra có một điều gì bất thường trong mối quan hệ giữa anh và em.
Chị thuê vệ sĩ theo dõi anh. Những thông tin và hình ảnh nhận được khiến chị chết đứng. Ngoài những bức ảnh anh đưa bé Nhi đi chơi với em, còn có những bức ảnh hai người đi chơi riêng và một mình anh đến căn hộ của em. Những cử chỉ âu yếm ôm hôn của anh và em như xé nát trái tim chị. Chị gọi cho anh rồi điên cuồng lao về nhà.
Anh thản nhiên thừa nhận hết mối quan hệ vụng trộm với em. “Anh yêu Ngọc. Anh muốn ly hôn. Anh sẽ để em nuôi con”, anh nói và đưa tờ đơn đã chuẩn bị từ bao giờ. Đầu óc quay cuồng không còn nghĩ được gì, chị cầm bút ký ngay vào lá đơn. Chị đã để mất chồng vào tay em rồi!
Gửi chị, phụ huynh học sinh của em!
Em viết lá thư này chỉ không lâu sau khi em nhận được điện thoại của anh báo tin đã có chữ ký của chị trong đơn ly hôn. Chị, cũng như anh, không biết rằng hai người là nạn nhân của cái kế hoạch mà em nghĩ ra kể từ ngày họp phụ huynh định mệnh ấy. Em, vốn là một cô gái sống hiện đại nhưng lại rất yêu thích ngành sư phạm. Em đem tình yêu và nhiệt huyết của mình vào giảng dạy cho học sinh. Tuy vậy, em vẫn giữ phong cách ăn mặc trẻ trung và thoải mái như giới trẻ bây giờ.
Trước nay em rất tự tin khi đứng trên bục giảng và gặp gỡ các phụ huynh. Vậy mà trong buổi họp phụ huynh, anh đã làm em bị bẽ mặt trước mọi người. Em đau nhất khi anh thẳng thừng nói: “Cô ăn mặc không khác mấy người đứng đường. Tôi không muốn một người không có tư cách làm cô giáo của con tôi". Mặc dù các phụ huynh khác đã phản bác lại anh và lên tiếng bênh vực em nhưng lòng tự trọng của em đã bị tổn thương ghê gớm. Ở vị trí của một người làm cái nghề cao quý mà em cảm giác như bị coi thường không biết giấu mặt đi đâu. Cả đêm đó em không ngủ mà nung nấu kế hoạch trả đũa nhưng chẳng nghĩ ra cách nào.
Sáng hôm sau, chị đến gặp em, giúi vào người em túi quà. Chị bảo: "Quan trọng nhất với chị là con được điểm cao, đạt học sinh giỏi. Em phải lo cho chị vụ này”. Chị thay anh đến làm hòa với em mà thái độ không hề có sự chân thành. Cách nói của chị như ra lệnh em phải tìm cách để con chị được điểm cao. Dường như trong suy nghĩ của chị, chỉ cần có quà là người khác phải làm theo những gì chị muốn. Không hiểu có phải vì chị quen làm sếp và luôn sòng phẳng với mọi thứ không. Em đã bị chồng chị làm tổn thương, giờ lại bị chị làm cho tự ái. Nhưng chính sự xuất hiện của chị đã giúp em nảy ra ý tưởng trả đũa mà trước đó em chưa nghĩ ra. “Được cả vợ lẫn chồng, chẳng coi ai ra gì. Thế thì mình chả cần khách sáo nữa”, em nghĩ.
Em bắt đầu theo sát bé Nhi. Cơ hội đến với em khi bé Nhi phải vào bệnh viện cấp cứu. Em tình nguyện ở lại bệnh viện qua đêm, túc trực bên giường bệnh chăm sóc bé Nhi, giúp anh lo các thủ tục. Và đúng như mong đợi của em, thái độ của anh với em đã thay đổi hoàn toàn. Bé Nhi bình phục, anh đã mời em đi ăn để cảm ơn.
Kể từ đó, em luôn tìm dịp để tiếp cận anh. Lần anh đến đón bé Nhi muộn, em đã đưa bé về rồi gọi điện để anh đến nhà em đón bé. Khi biết chị đi công tác, em đã mời hai bố con ở lại nhà ăn cơm. Thỉnh thoảng, em gợi ý bé Nhi rủ anh đi ăn KFC mỗi khi tan học và em xuất hiện “tình cờ” ở quán. Sự “tình cờ” của em dần biến thành sở thích chung của anh, em và bé Nhi. Cả ba người đi ăn uống và xem phim nhiều hơn. Em biết chị bận rộn với công việc sẽ khó lòng phát hiện ra ngay mọi chuyện. Và rồi anh sa vào cái bẫy em giăng sẵn với những cuộc hẹn hò vụng trộm của riêng hai người. Em biết anh muốn có con trai nhưng chị quá bận rộn với công việc nên không muốn sinh thêm con. "Chị ấy bận bịu suốt thế thì làm gì còn thời gian cho gia đình, chắc anh cô đơn buồn chán lắm. Giáo viên bọn em thì khác, có điều kiện nuôi dạy con, vun vén cho gia đình. Em mà là vợ anh thì em sẽ cố gắng sinh con trai cho anh chứ chẳng như chị”, em nói. Quyết tâm sẽ ly hôn với chị cứ dần lớn lên từng ngày trong anh. Em thậm chí còn giúp anh chuẩn bị một lá đơn ly hôn để sẵn sàng khi chị phát hiện mọi chuyện.
Khi chị đọc lá thư này thì em đã chuyển công tác vào Sài Gòn. Không biết chị có thể tha thứ cho anh để nối lại quan hệ vợ chồng không, và không biết lá đơn ly hôn của hai người còn rút lại được không. Nhưng thôi, đó là chuyện của hai người, em chẳng cần bận tâm đến nữa.