Không chỉ trang bị cho con các nguyên tắc phòng chống dịch, nhiều phụ huynh còn quan tâm chuẩn bị tâm tý "chống sốc" cho con khi chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp.
Theo thông báo của Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh từ lớp 7-12 tại các vùng xanh, vùng vàng trên toàn thành phố đi học trực tiếp từ ngày 8/2, học sinh từ lớp 1-6 tại 18 huyện, thị xã của Hà Nội cũng sẽ chính thức trở lại trường từ ngày 10/2. Sau hơn 1 học kỳ học trực tuyến, việc được đến trường không chỉ là mong ước của học sinh mà còn là sự mong chờ của nhiều phụ huynh.
Trần Thành Trung, học sinh lớp 10 tại Long Biên, Hà Nội đang hồi hộp, mong ngóng từng ngày được đến trường. Từ khi khai giảng năm học mới, chuyển sang bậc THPT, Trung cũng như nhiều học sinh đầu cấp khác chưa từng được đến nhận trường lớp mới.
“Em rất háo hức được đi học trực tiếp, bước sang cấp học mới, nhưng chúng em cũng chưa được đến trường. Học online không thực sự hiệu quả, bản thân em cũng thấy khó tập trung khi học, thậm chí việc ngồi nhiều giờ trước màn hình máy tính cũng khiến em cảm thấy mỏi mắt, uể oải, chán học. Song em cũng rất lo lắng, vì lớp 10 là năm đầu tiên của bậc THPT, học sinh cần có nền tảng tốt ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, bởi vậy nếu tiếp tục học trực tuyến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập. Em nghĩ rằng việc trở lại trường học trực tiếp sẽ giúp việc học hiệu quả hơn rất nhiều”, Trung chia sẻ.
Ảnh minh họa. |
Cùng tâm trạng, Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 11 tại Hà Đông (Hà Nội) cũng đang háo hức trước ngày được trở lại trường gặp lại thầy cô, bạn bè.
“Từ tuần tới, chúng em sẽ được đến trường, em đang rất háo hức được nghe thầy cô giảng trực tiếp, được trò chuyện cùng bạn bè. Nhân dịp năm mới, em cũng chuẩn bị sẵn những lì xì đặc biệt giành tặng bạn bè thân thiết. Chúng em cũng đã lên kế hoạch để học nhóm cùng nhau và tìm hiểu về các trường đại học để chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học vào năm sau”, Minh Anh chia sẻ.
Nói về việc đến trường trong khi dịch bệnh tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, Minh Anh cho biết, bản thân không quá lo lắng khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, bên cạnh đó, nữ sinh cũng tin rằng nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để mở cửa trở lại.
“Em nghĩ rằng nếu mỗi học sinh đều có ý thức phòng dịch, thực hiện nghiêm 5k, kịp thời khai báo, cách ly khi có biểu hiện mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh sẽ đảm bảo an toàn khi đi học trở lại”, Nguyễn Minh Anh nói.
Phụ huynh rèn nếp sinh hoạt mới trước khi con trở lại trường
Không chỉ học sinh, mà nhiều phụ huynh cũng rất hào hứng với việc mở cửa trường học.
Chị Đinh Thị Tuyết Mai (Gia Lâm, Hà Nội) ủng hộ việc cho học sinh trong độ tuổi đã tiêm vaccine được trở lại trường. So với vấn đề dịch bệnh, chị Đinh Thị Tuyết Mai lo ngại hơn về những hệ quả khi trẻ phải học online kéo dài như đảo lộn thói quen sinh hoạt thường ngày, việc ăn ngủ không đúng giờ, thiếu điều độ, ít vận động khiến trẻ đối mặt với nguy cơ béo phì, cận thị. Bên cạnh đó, phụ huynh này cũng cho rằng, khi trẻ học trực tuyến, bố mẹ vẫn phải đi làm, rất khó kiểm soát việc trẻ dùng máy tính ngoài giờ học, khiến con nghiện game, sa đà vào thế giới ảo.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc mở cửa trường học. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh, gia đình tôi vẫn luôn nhắc và hướng dẫn con tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng dịch. Điều tôi lo ngại nhất lúc này là làm sao để con thay đổi thói quen sinh hoạt, học tập trong nhiều tháng liền học trực tuyến”, chị Mai cũng cho rằng, cần một khoảng thời gian nhất định để chống “sốc” cho trẻ khi trở lại trường học trực tiếp.
Anh Nguyễn Xuân Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) có con học lớp 7 cho biết, khi nhận được thông báo sẽ đi học trực tiếp, con nửa muốn đến trường, nửa không muốn vì khi học tại nhà được thoải mái hơn về giờ giấc, vui chơi. Học trực tuyến thời gian dài cũng tạo ra sức “ì”, khiến trẻ ngại vận động, ngại ra ngoài.
“Thời gian gần đây con không còn nói đến việc muốn được đến trường. Hết dùng máy tính, con lại tranh thủ mượn điện thoại của bố mẹ để chơi game, vào facebook nhắn tin với bạn bè. Bố mẹ không thể theo con cả ngày để quản lý nên rất khó. Điều tôi lo ngại nhất là con đã bị cận thị, trong mùa dịch, tình trạng này càng nặng thêm, bên cạnh đó là việc nghiện game và con ít chia sẻ với bố mẹ hơn”, anh Cường lo ngại.
Để chuẩn bị cho việc học trực tiếp, những ngày này, vợ chồng anh Cường dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện cùng con, làm công tác tư tưởng để con có hứng thú quay trở lại trường học. Đặc biệt, dù đang trong kỳ nghỉ Tết, nhưng phụ huynh này vẫn yêu cầu con thức dậy từ 6h15 để ăn sáng, tập thể dục, làm quen dần với nhịp sinh hoạt khi phải đi học trở lại./.
Dưới góc độ chuyên gia y tế, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc tiêm vaccine cho người lớn và trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 tuổi thời gian qua đã và đang tạo ra môi trường “vaccine cộng đồng” để học sinh an toàn hơn khi đến trường.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi trở lại trường, theo PGS.TS Trần Minh Điển, mỗi gia đình cần đảm bảo tất cả các thành viên đủ điều kiện trong gia đình đều được tiêm chủng đầy đủ, cần nắm được các thông tin đầy đủ về quy định ứng phó Covid-19 cụ thể tại trường học.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh cũng cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi trở lại trường học, hướng dẫn trẻ dự phòng 5K cẩn thận. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào, như sốt, nghẹt mũi, đau họng hoặc ho không nên cho trẻ đến trường. Nếu trẻ đã tiếp xúc với người nhiễm Covid-19, phụ huynh cần giữ con ở nhà và theo khuyến cáo của y tế địa phương về việc tự cách ly.
Khi ở trường nếu phát hiện học sinh có các triệu chứng của Covid-19, giáo viên hoặc nhân viên nhà trường phải nhanh chóng hành động phối hợp cùng y tế địa phương. Nếu bạn cùng lớp hoặc giáo viên có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, phụ huynh hãy theo dõi các triệu chứng của con và thực hiện theo các khuyến cáo tự cách ly của y tế địa phương
PGS.TS Trần Minh Điển cũng khuyến cáo, nếu trẻ bị hen suyễn, béo phì, tiểu đường và các bệnh nền khác vẫn có thể đến trường, tuy nhiên còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh hiện tại của trẻ, tiêm chủng, các biện pháp an toàn ở trường và tình hình Covid-19 trong cộng đồng nơi sinh sống.