Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý 3 và 9 tháng năm 2017 diễn ra sáng nay. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị.
Hơn 6.000 người chết vì TNGT trong 9 tháng
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong 9 tháng đầu năm tuy TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ, nhưng số người chết và bị thương vẫn ở mức cao (6.100 người chết, 11.700 người bị thương); TNGT vẫn diễn biến phức tạp, nhất là TNGT hàng hải, tai nạn liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải, phương tiện đường sắt...
Cả nước vẫn còn 8 tỉnh, thành để TNGT tăng trên 10% so với cùng kỳ là: Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Trị, Cần Thơ, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hậu Giang, Lai Châu. Riêng 2 tỉnh Hậu Giang và Lai Châu có số người chết tăng trên 40%...
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chủ trì hội nghị trực tuyến |
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân TNGT vẫn ở mức cao là do cấp ủy, chính quyền các địa phương còn chưa quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự ATGT.
Một bộ phận người thực thi công vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định. Đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô kinh doanh chở khách theo hợp đồng, quản lý bến bãi đường bộ, đường thuỷ nội địa.
Để giảm TNGT, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, địa phương phải gắn trách nhiệm người đứng đầu. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý một số địa phương có tuyến đường sắt đi qua phải cương quyết xử lý dứt điểm các đường ngang dân sinh tự phát giao cắt với đường sắt để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc...
Áp lực ùn tắc giao thông 2 TP lớn
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban Ban ATGT TPHCM cũng cho biết, hiện toàn TP có 37 điểm ùn tắc giao thông, trong đó có 6 điểm tình hình ùn tắc rất phức tạp. Đặc biệt là 2 khu vực Cảng Cát Lái và Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra ùn tắc trầm trọng.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng nêu thực tế hiện nay áp lực từ ùn tắc giao thông Thủ đô đang ngày càng lớn do tốc độ dân số cơ học tăng nhanh. Ước tính mỗi năm tăng khoảng 1,9% dân số (tương đương dân sô 1 quận).
Ông Sửu cho rằng, trong quý IV áp lực giao thông sẽ tiếp tục gia tăng do vào thời điểm trước và sau Tết người dân tập trung về HN đông. Hơn nữa APEC tuy diễn ra ở Đà Nẵng nhưng các nguyên thủ cuối cùng cũng dồn về Hà Nội.
Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng ùn tắc, cũng như đã triển khai các phương án phục vụ Hội nghị APEC.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá, HN và TP.HCM là 2 trung tâm phát triển nhất cả nước nhưng hạ tầng giao thông chưa theo kịp nên áp lực từ ùn tắc giao thông rất lớn.
Do vậy, ông đề nghị 2 TP lớn nhất nước cần có giải pháp tập trung giải quyết các điểm ùn tắc giao thông để đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện, nhất là từ nay đến cuối năm.
Đề nghị quản lý chặt chẽ hơn với Uber, Grab
Liên quan đến kiến nghị của TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, bố trí nguồn vốn để dự án sớm đưa vào khai thác. Đặc biệt, sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị Định 86 trong quản lý kinh doanh vận tải xe ô tô.
Ông cũng lưu ý quản lý Uber, Grab phải có chương trình cụ thể, tuy nhiên các hãng taxi truyền thống cũng cần phải có ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh bình đẳng.
Báo cáo Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc sửa đổi Nghị định 86 hiện đang được Bộ tiếp tục lấy ý kiến thêm từ các tỉnh cũng như khảo sát thực tế từ một số nước để sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Ông nói rõ, việc sửa đổi Nghị định 86 phải xuất phát từ Luật giao thông đường bộ, tuy nhiên sau 10 năm đã xuất hiện thêm nhiều loại hình vận tải mới phát triển nên có những nội dung vượt quá quy định của Luật. Trước thực tế này, tới đây Bộ sẽ trình Chính phủ để sửa Luật giao thông đường bộ cho phù hợp.
Đối với loại hình vận tải Uber và Grab, ông Thọ cho biết Bộ đã có kế hoạch trong tháng 11 này sẽ làm việc với 1 số tỉnh để có đánh giá cụ thể báo cáo Thủ tướng và có giải pháp phù hợp với tình hình các địa phương.
Riêng đối với dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, hiện Bộ GTVT đã họp với Tổng thầu hoàn thành các thủ tục để giải ngân khoản vay 250 triệu USD từ Ngân hàng Trung Quốc. Khi được giải ngân các nhà thầu sẽ triển khai, sớm hoàn thành đưa vào khai thác.