Ông cho biết quan điểm của UBND tỉnh về việc công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh chôn chất thải Formosa tại trang trại?
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng |
Đây là vấn đề nghiêm trọng. Ngay sau khi người dân phát hiện về việc chôn 100 tấn chất thải Formosa, báo tin cho lãnh đạo tỉnh, chiều 11/7 UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TX Kỳ Anh, Ban quản lý Khu kinh tế, Phòng Cảnh sát môi trường vào kiểm tra hiện trường, lấy mẫu gửi Viện Công nghệ môi trường phân tích và làm việc với Formosa, công ty Môi trường để làm rõ sự việc.
Ngay chiều 13/7, UBND tỉnh họp, chỉ đạo tạm dừng vận chuyển các chất thải rắn ra khỏi địa bàn của Formosa, chờ kết quả phân tích các mẫu.
Tỉnh cũng chỉ đạo soát xét tất cả nhà thầu xử lý chất thải của Formosa, từ hồ sơ năng lực cũng như kiểm tra thực tế của các đơn vị chỉ định thầu, sau đó phải có sự thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước mới được ký hợp đồng và xử lý chất thải.
Những cơ quan nào sẽ thực hiện việc soát xét, giám sát?
Phải giám sát chặt chẽ tất cả danh mục. Vị trí tập kết chất thải của Formosa phải được lên sơ đồ. Các cơ quan trực tiếp giám sát sẽ là BQL Khu kinh tế tỉnh, Sở TN&MT, UBND TX Kỳ Anh. Những đơn vị này sẽ trực tiếp kiểm tra, giám sát về khối lượng xử lý. Phải báo cáo đầy đủ cho cơ quan quản lý nhà nước.
Từ vụ công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh không có chức năng vẫn vận chuyển xử lý chất thải công nghiêp Formosa, UBND tỉnh sẽ có phương án gì để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này?
Hiện trên địa bàn huyện Kỳ Anh có một doanh nghiệp xử lý chất thải của Formosa. Tôi đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường và các cơ quan liên quan vào kiểm tra, rà soát kỹ hồ sơ, thủ tục.
Quan điểm của UBND tỉnh là xử lý nghiêm minh những đơn vị, đối tượng không chấp hành hoặc cố tình vi phạm.
Để xảy ra vấn đề này, không thể không nói tới trách nhiệm của Formosa. Trước hết Formosa phải kiểm tra chặt chẽ những đơn vị này có đủ chức năng hay không, việc giám sát trong quá trình triển khai như thế nào...
Xử lý trách nhiệm
Sau khi Formosa thừa nhận việc xả thải ra biển và cam kết bồi thường, hiện người dân đang quan tâm vấn đề bồi thường và xử lý khắc phục môi trường biển. Vấn đề này UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đến đâu?
Việc này không chỉ người dân mà từ Trung ương tới các địa phương bị ảnh hưởng đang rất quan tâm. Để tiền bồi thường đến được với người dân công bằng, minh bạch, UBND tỉnh đã thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại ở tỉnh và địa phương, rà soát kỹ từng đối tượng tại các địa phương.
Trong khi chờ chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của bộ ngành Trung ương, tỉnh đã chủ động ra chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường, từ việc hỗ trợ mua bảo hiểm y tế tới hỗ trợ vốn đóng tàu mới cho ngư dân, khôi phục sản xuất.
UBND tỉnh đang thống kê và báo cáo Trung ương. Sau đó chờ có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, tỉnh sẽ vào cuộc ngay. Còn việc xử lý, làm sạch môi trường biển thì các cơ quan của Trung ương đang bàn thảo, nghiên cứu để đưa ra phương án xử lý. Trước mắt, tỉnh đang dồn sức cho việc ổn định sản xuất và đời sống người dân.
Liệu các cơ quan quản lý của Hà Tĩnh có đủ năng lực làm những vấn đề liên quan tới kiểm soát xả thải, chất thải tại Formosa?
Đây là vấn đề đã được tỉnh bàn kỹ.
Một số vấn đề vượt quá sự quản lý, giám sát, đánh giá của các cơ quan quản lý của Hà Tĩnh, như tro bay của nhà máy, chất thải của thạch cao nhân tạo với khối lượng rất lớn không chỉ của Formosa mà của một số nhà máy khác.
Việc này UBND tỉnh sẽ kiến nghị Bộ TN&MT cũng như các bộ ngành trung ương vào cuộc, hướng dẫn cụ thể.
Tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh trong việc để xẩy ra sự cố môi trường như thế nào, thưa ông?
Tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm vi phạm của từng đơn vị, cá nhân cụ thể. Quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm. Tuy nhiên, để chính xác trách nhiệm của từng đơn vị phải chờ kết luận rõ ràng từ các cơ quan chức năng.