Các bị cáo tại phiên tòa hôm 7/1. |
Về việc cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (đang bỏ trốn), luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bào chữa cho ông Vũ Huy Hoàng đánh giá, nếu bà Thoa có mặt tại phiên tòa, sự thật sẽ được rõ hơn.
Được biết, ở phiên tòa lần này, ông Nguyễn Hữu Tín tiếp tục có đơn xin xét xử vắng mặt.
Luật sư Đặng Hoài Vũ (Văn phòng Luật sư Đặng Hoài Vũ & Đồng Sự) cho rằng, việc bị cáo Tín có đơn xin xét xử vắng mặt, HĐXX có thể căn cứ điểm c, khoản 2, Điều 290 Bộ luật TTHS năm 2015 để xét đơn xin xét xử vắng mặt.
Trong trường hợp HĐXX chấp nhận đơn xin xét xử vắng mặt của ông Tín, vụ án vẫn được xét xử bình thường. Trường hợp không chấp nhận đơn xin xét xử vắng mặt của ông Tín, HĐXX có thể tuyên bố hoãn phiên toà.
“Vì đây là vụ án kinh tế lớn và đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều bị cáo về lời khai, đối chất, về tính khách quan tại phiên toà, có mối liên hệ hoặc mâu thuẫn nhau.
Nhằm đảm bảo vụ án được xét xử một cách khách quan, toàn diện và giải quyết triệt để vụ án, cũng như đảm bảo xét xử đúng người đúng tội, đúng quy định của pháp luật, HĐXX cũng có thể cho hoãn phiên toà này”, lời ông Vũ.
Ở phiên tòa hôm 7/1, luật sư của bị cáo Lê Quang Minh (cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM) cho biết, bị cáo chưa được tống đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng luật sư Đặng Hoài Vũ, người bào chữa cho ông Minh đã thông báo cho bị cáo và bị cáo đã có mặt.
Lần này, thân chủ của ông Minh đã nhận được giấy triệu tập của Toà một cách hợp lệ, và bị cáo sẽ có mặt tại phiên toà ngày 18/1 tới.
Cùng bị đưa ra xét xử với cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng còn có 9 bị cáo khác gồm: Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương); Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM); Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM); Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM).
Lê Văn Thanh (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM); Lê Quang Minh (cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở KH-ĐT TP. HCM); Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM); Trương Văn Út (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN-MT TP.HCM); Nguyễn Lan Châu (cựu chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở TN-MT TP.HCM).
Sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý cho dự án, ông Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt, mà chỉ đạo thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho DN tư nhân tham gia liên doanh, để hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, là tài sản Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật.
Hành vi của ông Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm ở Bộ Công Thương đã vi phạm quy định về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN; gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.713 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, ông Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu và cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về bà Hồ Thị Kim Thoa (người đang bỏ trốn và bị truy nã).