Trong phiên tòa, bị cáo L.T.H (sinh năm 1993, trú xã Diên An, huyện Diên Khánh) trình bày, hai bên vốn là hàng xóm chung một đoạn ngõ, nhà bị cáo ở đầu ngõ, bên bị hại ở cuối ngõ. Trưa đó, cháu của bị hại đạp xe về qua nhà bị cáo thì bị con chó chạy ra rượt đuổi, làm cháu sợ nên luống cuống ngã. Cháu bé ngã khá nhẹ, quần mới chỉ trầy bên ngoài; con chó không cắn cháu; xe đạp cũng không hỏng nặng. Nhưng bà này lại dắt ngay con và 2 người nhà sang la mắng đòi bồi thường. Khi H. về, cuộc đấu khẩu đã căng thẳng. Mấy người nhà họ xúm vào mắng mỏ, đòi bồi thường 800.000 đồng.
Bực quá, H. tát một em gái. Hai bà mẹ xông vào đánh nhau. Không can nổi, bị cáo phải lấy roi điện tự chế chích mẹ cháu bé để ngăn đánh mẹ mình. Hay tin, cậu ruột, bác ruột cháu bé và vài người họ hàng tiếp tục kéo sang. Bị cáo có lỗi vì đã ném đá trúng đầu cậu của cháu bé, gây thương tích 30%, nhưng cũng vì bức xúc quá, thấy họ đánh mẹ mình chảy máu, bị cáo cũng bị ném đá chảy máu đầu; con chó của nhà thì bị đánh đến què chân. Bị cáo đã nộp đơn yêu cầu khởi tố, nhưng nghe xóm làng khuyên, nghĩ tình làng nghĩa xóm nên bị cáo đã rút đơn, bồi thường 13 triệu đồng, giờ bồi thường tiếp 10 triệu đồng…
Bị hại phản ứng quyết liệt: bị cáo khai không đúng. Vợ bị hại gay gắt hơn: “Bị cáo vu oan cho gia đình tôi. Đâu phải tự nhiên nhà tôi kéo ra đánh?! Khi chồng tôi qua, họ nói đâu có đó, mỗi chuyện con chó… nên tôi mới đòi báo công an xã. Mẹ con họ chửi mắng xối xả, sao chúng tôi đánh được! Tôi chẳng thấy ai ném đá vào H., nhưng thấy rõ H. đánh chồng tôi. Lúc đó hai bên đã gần hòa giải, H. quay qua xô chồng tôi ngã xuống ruộng, cầm cục đá ném vào đầu, rồi tiếp tục đập đá lên ngực, khiến chồng tôi bất tỉnh! Bên tôi đánh con chó vì họ bảo muốn làm gì nó cứ làm!”.
Ảnh minh họa. |
Vị thẩm phán nghiêm nghị phân tích: Hai bên đứng cách nhau 1,5m, mặt ruộng thấp hơn mặt đất 0,5m; nhân chứng đều xác nhận H. chỉ cầm 1 cục đá, không hề bước xuống ruộng. Vậy làm sao bị cáo đã ném đá vào đầu mà vẫn còn cục đá để đập vào ngực bị hại hay có thể dùng tay với xa 1,5m đánh trúng ngực bị hại? Công an đã xác định bên bị hại ném đá trúng đầu H., gây thương tích 2% nhưng do bị kích động vì hành vi trái pháp luật của bị cáo nên chỉ xử phạt hành chính. Cho rằng bồi thường không thỏa đáng, vậy sao bị hại không kháng cáo? Bị hại có thừa nhận đã kéo đông người sang nhà H., có đánh mẹ con H. không?
Phía bị hại lúng túng: “Việc kéo đông người thì không bàn nữa. Nhưng nhà chúng tôi cũng nuôi chó; có lần nó cắn người, chúng tôi phải bồi thường hơn 1 triệu đồng, đâu cư xử như họ: bồi thường được 13 triệu đồng, cách ngày ra tòa 2 hôm mới đưa tiếp 10 triệu đồng! Chúng tôi không nhận, yêu cầu bồi thường 160 triệu đồng. Chúng tôi không kháng cáo vì nghĩ “ở hiền gặp lành”. Con tôi bị chó đuổi, không cắn nhưng bị té, trầy quần, hỏng xe, sửa hết 800.000 đồng nhưng không có hóa đơn. Tôi đòi bồi thường, bà ấy không chịu, nói cháu bị té trầy quần chứ chó không cắn, đòi riết quá lại bảo nếu đổ tại chó thì muốn làm gì con chó thì làm. Vì vậy, tôi đánh con chó. Nhóm tôi không đánh mẹ H. Bị hại không ném đá H”.
Tòa phải công bố xác nhận của công an xã về việc bên bị hại đánh mẹ H. nằm xuống đất, gây đa chấn thương; đồng thời công bố lời khai của chính cháu bé bị chó rượt. Cháu thừa nhận thấy bị cáo chích roi điện, ông cậu ném đá vào đầu H., một người khác đánh vào mắt H… Chỉ lúc đó, vợ bị hại mới im lặng.
Phiên tòa kết thúc với phán quyết giảm 9 tháng tù cho H. vì phạm tội có phần lỗi của bị hại nên chỉ phải chấp hành 1 năm 9 tháng tù. Bên bị hại ra về trong cơn giận: “Chúng tôi không đồng ý giảm án! Nhất định chúng tôi sẽ đi kiện tiếp, không dừng lại!”. Nhiều người lắc đầu: Sự việc ban đầu rất đơn giản, lẽ ra mẹ cháu bé chỉ cần sang nhắc nhở nhà bị cáo chú ý quản lý chó, nhưng bên bị hại lại kéo đông người sang đánh nhà bị cáo thương tích trước. Chính cách hành xử chưa phù hợp đã khiến việc nhỏ gây hậu quả lớn: bị cáo lãnh án, bị hại thương tích, tình làng nghĩa xóm mất, thật là “cái sảy nảy cái ung”.