Theo ước tính, có khoảng 1.400 cô dâu Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ẩn náu tại một khu trại bí mật do quân đội Iraq dựng nên. Nhiều cô dâu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Trung Á. Họ luôn sống trong cảm giác lo sợ, bất an thường trực rằng họ sẽ bị tàn sát để trả thù.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và tình báo tại ĐH Buckingham Anthony Glees cho hay một số phụ nữ Anh từng bị IS dụ dỗ bỏ nhà và cuộc sống sung túc để trở thành nô lệ tình dục cho các chiến binh thánh chiến.
Không ít phụ nữ lấy chồng là chiến binh ngoại quốc, đến Iraq để gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thậm chí sinh con cho họ. Tuy nhiên, cuộc sống mà họ trải qua vô cùng khủng khiếp và cảm thấy hối hận về quyết định sai lầm.
Một trong những cô dâu IS có câu chuyện gây chú ý là Tania Georgelas, sinh ra ở London (Anh). Cô đã gặp John Georgelas, người Mỹ, trên một trang mạng hẹn hò Hồi giáo và quyết định cưới nhau năm 2004. Hai người có với nhau 4 người con.
Gia đình Tania chuyển tới Syria năm 2013. Khi ấy, Georgelas trở thành một thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đổi tên thành Yahya al-Bahrumi.
Tania Georgelas hối hận vì quyết định sai lầm. Ảnh: BBC. |
Trong thời gian sống ở Syria, cô dâu IS Tania bị ám ảnh khi sống trong những tòa nhà đổ nát và nghe tiếng súng nổ mỗi đêm. Sau 3 tuần sống ở ''địa ngục" đó, cô cầu xin chồng để cô rời đi. Cuối cùng, chồng cô đã đồng ý nên cô trở về Mỹ.
Khi trở về Mỹ, Tania mất quyền giám sát toàn diện đối với các con. Theo đó, các con của cô sống với ông bà nội. Hiện cô cảm thấy hối hận vì đã không cho các con mình một cuộc sống hạnh phúc như bao gia đình khác. Cô hối hận vì đưa ra những quyết định sai lầm để rồi đánh mất những điều quan trọng đối với cô là gia đình và 10 năm tuổi trẻ.
Không may mắn như Tania, một số phụ nữ có chồng là chiến binh Hồi giáo muốn về nhà nhưng không thể. Một số đã cố chạy trốn nhưng không trốn thoát được "địa ngục trần gian'' này. Họ phải sống trong cảnh thiếu thốn thức ăn, không điện nước và liên tiếp chứng kiến những cảnh tượng giết chóc và bạo lực.
Việc sống cùng các phiến quân IS, nhiều cô dâu Nhà nước Nhà nước Hồi giáo tự xưng chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng như các chiến binh Hồi giáo đánh đập các nô lệ tình dục. Thị trường nô lệ tình dục của IS được hình thành. Đây là nơi các phiến quân IS mua bán các cô gái thuộc nhóm thiểu số Yazidi.
Theo ước tính, có khoảng 7.000 phụ nữ của cộng đồng thiểu số này đã bị IS bắt cóc. Trước khi trở thành những món hàng hóa để mua vui cho các chiến binh hồi giáo, những cô gái trên phải trải qua những bài kiểm tra kinh hoàng để xác nhận trinh tiết hoặc những người đang mang thai sẽ bị bắt phá thai ngay lập tức.
>> Mời quý độc giả xem video: Tổng thống Pháp: Nhóm IS chủ mưu vụ tấn công (nguồn: VTC1):
Thậm chí, không ít phụ nữ còn tận mắt thấy thi thể không toàn thây của nhiều người đào tẩu không thành bị treo lên. Tồi tệ hơn, sau những cuộc không kích, các cô dâu IS lại nhìn thấy nhiều thi thể nằm trên đường phố.
Khi nhìn những cảnh tượng máu me, giết chóc khủng khiếp vậy, nhiều cô dâu IS không thể chịu đựng được và cố tìm đủ mọi cách để trở về nhà. Theo đó, có người đã cố gom tiền để nhờ người đưa ra khỏi trạm kiểm soát của IS mà không bị nghi ngờ. Có người vượt qua ranh giới sống chết và hiện bắt đầu lại cuộc sống nhưng cũng có người vẫn sống trong cảnh địa ngục giữa sào huyệt của IS.
Hãi hùng hơn là việc các cô dâu IS được phép thực hiện các vụ đánh bom tự sát mà không cần sự đồng ý của chồng. Điều này được đề cập trong tờ giấy chứng nhận kết hôn của IS khi các cô gái kết hôn với chiến binh Hồi giáo. Cuộc đời và tính mạng của các cô dâu này sẽ do thủ lĩnh IS Abu Bakr Al-Baghdadi định đoạt.
Trước vấn đề này, Giáo sư Anthony Glees cho rằng, IS đang cố lan truyền nỗi khiếp sợ đối với thế giới qua tờ giấy chứng nhận kết hôn cho phép các cô dâu thánh chiến đánh bom tự sát. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh sự "tuyệt vọng" và bại trận của IS trên chiến trường đồng thời cảnh báo những nguy cơ an ninh trong trường hợp các cô dâu thánh chiến người Anh từng gia nhập IS trở về quê hương.