Thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên có chiều hướng gia tăng, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh, sinh viên vẫn diễn ra khá phổ biến. Phòng CSGT tiến hành ra quân xử lý, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm là phụ huynh, học sinh khi đưa trẻ đến trường không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe vượt đèn đỏ... khi tham gia giao thông.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT cho biết, việc xử lý các vi phạm sẽ không ảnh hướng đến quá trình học tập của học sinh và tuân thủ quy chế phối hợp giữa lực lượng công an và nhà trường đã được cam kết trước đó.
Với các đơn vị nội thành vừa bảo đảm điều tiết an toàn giao thông trước cổng trường học, vừa bảo đảm xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đối với khu vực ngoại thành, ngoài xử lý học sinh, phụ huynh các đơn vị cần tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn của xe ô tô đưa đón học sinh.
Ghi nhận tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, tại ngã tư Ngô Quyền - Hai Bà Trưng, phường Hàng Bài, tổ công tác CSGT số 1 đã ra hiệu lệnh dừng xe, xử lý nhiều người cùng phương tiện vi phạm. Điển hình là trường hợp phụ huynh đèo theo con nhỏ, cả 2 đều không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh qua ngã tư. Sau khi phát hiện tổ công tác, người phụ nữ này định tăng ga bỏ chạy song đã bị lực lượng chức năng giữ lại, đưa vào chốt để làm việc.
Tại chốt, người phụ nữ khai nhận tên L.V.L. (sinh năm 1981 ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chị L. cho hay đang trên đường đèo con đi học về để tiếp tục đưa con trai tới một lớp học thêm khác. Tuy nhiên do "vội quá" nên không kịp mang theo mũ bảo hiểm.
|
CSGT dừng xe một phụ huynh chở 2 trẻ đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm. |
Một trường hợp khác, khi tổ công tác phát hiện anh Lê Anh T. (sinh năm 1979 ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển xe máy chở theo 2 em nhỏ học sinh, cả 3 đều không đội mũ bảo hiểm.
Cũng giống như một số trường hợp kể trên, anh T. cho biết bản thân vội đón con nên quên mang mũ bảo hiểm cho các cháu. Sau khi được tuyên truyền nhắc nhở, anh T. cam kết sẽ không tái phạm.
Còn với trường hợp nữ sinh tên N.N.T.A. (sinh năm 2007 học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố) là người điều khiển phương tiện cho biết, do hai em đi học vội nên đã quên không mang mũ bảo hiểm. Sau khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, em T. A. cùng với bạn đi cùng đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình và hứa sẽ không tái phạm.
|
CSGT nhắc nhở 2 học sinh tuân thủ luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đến trường. |
Trực tiếp làm nhiệm vụ, Đại úy Ngô Xuân Giang, cán bộ Đội CSGT số 1 - đơn vị phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết, do trên địa bàn có đông các trường từ cấp 1 đến cấp 3 nên vào giờ tan học, tình trạng phụ huynh, học sinh điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông là không hiếm gặp.
Từ thực trạng đó, ngay vào đầu các năm học, đơn vị đã tiến hành phối hợp với nhà trường, mở các hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền cho các em học sinh biết và nắm rõ về luật an toàn giao thông đường bộ, giúp các em có thể chấp hành tốt hơn luật giao thông, từ đó giảm tỷ lệ vi phạm luật và tai nạn giao thông.
Phòng CSGT cho biết, trong quá trình xử lý vi phạm, gặp một số khó khăn như các em học sinh vi phạm liều lĩnh, bỏ chạy, điều này rất dễ gây ra tai nạn giao thông và gây nguy hiểm tới những người khác.
Để giảm thiểu tình trạng vi phạm luật giao thông đối với nhóm đối tượng học sinh, Phòng CSGT khuyến cáo, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các bậc cha mẹ, phụ huynh và sự kết hợp giáo dục từ nhà trường. Qua đó, sẽ giúp các em có thể biết và nắm rõ về luật, cũng như áp dụng luật và thực tiễn. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng phải làm gương cho chính con em của mình, từ đó các em mới có thể học tập, noi theo gương tốt của cha mẹ.
Trước đó, vào ngày 18/10, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT đã cùng ký kết Chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2020 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.570 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh sinh viên, làm 864 trường hợp tử vong, bị thương 1.794 người. Nguyên nhân chính là do sự kém hiểu biết kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.