BOT đặt quá gần nhau
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc triển khai dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Trong văn bản này, TP.HCM cho rằng cần cân nhắc thêm về việc hỗ trợ đầu tư bằng thu giá dịch vụ đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong 8 năm 2 tháng với mức giá khởi điểm 1.700 đồng/PCU/km (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn).
Lý do mà TP.HCM đưa ra là trạm thu phí này rất gần so với trạm thu quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc trên địa bàn thành phố có thời gian thu giá tương đối dài.
Vị trí trạm BOT TP.HCM - Trung Lương nằm quá gần trạm QL1 An Sương-An Lạc. Nguồn ảnh: Baodautu |
Việc hoàn vốn cho dự án nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc và các hạng mục bổ sung sẽ kéo dài đến năm 2033 mới kết thúc. Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO có lộ trình tăng phí vào đầu các năm 2015, 2020, 2025 và 2030. Do đó, nếu đặt thêm một trạm thu phí gần đó sẽ có thể tăng nặng chi phí cho các chủ phương tiện.
Dự án đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án đầu tư đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (không đi qua địa bàn TP.HCM) đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2014 và 2017.
BOT chỉ bán vé tháng trong… một số ngày nhất định
Cũng liên quan tới những bất cập ở các trạm thu phí BOT, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Tổng cục đường bộ Việt Nam cùng phối hợp giải quyết nhanh những vướng mắc liên quan đến các dự án BOT nhằm gỡ khó cho cánh tài xế các doanh nghiệp cũng như người dân. Động thái này xuất phát từ những kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM.
Cụ thể ở đây là các vấn đề liên quan tới việc bán vé tháng ở các trạm BOT, nhiều trạm không thực hiện đúng chỉ đạo, tự ý sáng tạo ra những kiểu bán vé khác thường gây khó cho doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Vận tải TP.HCM, một số trạm BOT không bán vé tháng mà bán vé theo lượt hoặc chỉ bán vé tháng trong một số ngày nhất định. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp khó chủ động để mua vé do còn phụ thuộc vào việc phải xác định các hợp đồng kinh doanh, buôn bán.
Chưa kể, nhiều trạm BOT còn áp dụng bán vé “kiểu lạ đời” với giá trị sử dụng từ ngày mua đến cuối tháng (ví dụ mua ngày 10 thì chỉ tính đến ngày 30, sử dụng của vé chỉ được 20 ngày, trong khi giá trị ghi trên vé vẫn là 30 ngày).
Nguồn ảnh: Saigontimes |
Hiệp hội Vận tải TP HCM dẫn chứng hiện có 9 trạm BOT đang tồn tại những bất cập nêu trên, trong đó tại TP HCM có đến 4 trạm, gồm trạm Chợ Đệm Tân Túc (huyện Bình Chánh), trạm xa lộ Hà Nội (quận 9), trạm Phú Mỹ (quận 2) và trạm Nguyễn Văn Linh (quận 7). Tình trạng trên, theo Hiệp hội Vận tải TP HCM là không công bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Trước tình hình này, Sở GTVT TP HCM đã tiến hành rà soát một số trạm BOT và phát hiện: hai trạm thu xa lộ Hà Nội và Phú Mỹ đang phát hành vé tháng có giá trị sử dụng từ ngày 1 đến cuối tháng. Riêng trạm Nguyễn Văn Linh, vé tháng có giá trị sử dụng đến ngày 5 của tháng sau.
Sở GTVT TP cho biết, căn cứ theo quy định hiện hành, vé tháng được phát hành theo thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có giá trị sử dụng và được in sẵn mệnh giá theo mức thu tháng quy định tương ứng với từng phương tiện. Thời hạn cụ thể ghi trên vé kể từ ngày có giá trị sử dụng vé đến ngày kết thúc theo thời hạn ghi trên vé.
Do đó, Sở GTVT đề nghị các trạm thu giá nêu trên cần linh hoạt xem xét việc phát hành vé tháng thời hạn từ ngày có giá trị sử dụng đến ngày kết thúc theo thời hạn ghi trên vé (thời hạn đến hết ngày của tháng sau) và đăng ký phát hành theo quy định.