Phát hiện ngôi sao quay gần hố đen tử thần chưa từng thấy
Ngôi sao mới được phát hiện quay quanh hố đen tử thần với tốc độ hai vòng một giờ và là ngôi sao ở gần hố đen nhất từng được phát hiện từ trước đến nay.
Các nhà thiên văn đã tìm thấy bằng chứng của một ngôi sao quay quanh hố đen với tốc độ hai vòng một giờ. Đây là quỹ đạo quay gần nhất mà các nhà khoa học từng khám phá.
Hai kính viễn vọng không gian của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) là Đài thiên văn Chandra X-ray và NuSTAR cùng hệ thống kính thiên văn vô tuyến ATCA của Australia được đặt ở New South Wales đã phát hiện ra ngôi sao này.
Ngôi sao và hố đen nói trên nằm trong một cụm sao thuộc Dải Ngân hà, cách Trái Đất 14.800 năm ánh sáng.
Các kính viễn vọng của Chandra cho thấy thời gian để ngôi sao thực hiện quỹ đạo hoàn chỉnh quanh hố đen có thể là khoảng 28 phút.
|
Ngôi sao ở khoảng cách gần hố đen tử thần nhất mới được phát hiện có thể là sao lùn trắng. Ảnh: NASA. |
Dựa trên bằng chứng thu được, các nhà khoa học nhận định nhiều khả năng đây là một ngôi sao lùn trắng quay quanh một hố đen ở khoảng cách chỉ gấp 2,5 lần quãng đường từ Trái Đất tới Mặt Trăng.
Chưa từng có ngôi sao nào được phát hiện quay quanh hố đen tử thần gần đến vậy.
"Ngôi sao lùn trắng này gần hố đen đến nỗi vật chất bị kéo khỏi nó và đổ vào đĩa vật chất xung quanh hố đen trước khi rơi xuống", Tiến sĩ Arash Bahramian, tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Mặc dù ngôi sao lùn trắng không có nguy cơ bị rơi xuống hoặc bị phá hủy bởi lỗ đen, số phận của nó cũng không chắc chắn.
Phó giáo sư James Miller-Jones, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn Vô tuyến Quốc tế (ICRAR), cho biết ngôi sao này có thể đã bị hút khí vào trong lỗ đen từ hàng chục triệu năm nay và đã mất phần lớn khối lượng.
"Theo thời gian, quỹ đạo của ngôi sao sẽ ngày càng rộng hơn, vật chất của nó sẽ bị mất thêm. Cuối cùng nó sẽ trở thành một vật thể kỳ lạ như hành tinh kim cương nổi tiếng được phát hiện vài năm trước", ông nói.
Vlad Tudor từ Đại học Curtin, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết giả thuyết về trường hợp trên có thể là một ngôi sao neutron (vật thể siêu đậm đặc có trường trọng lực cực mạnh) bị tách ra khi vật chất bị hố đen hút vào.
"Nó giống như khi bạn xoay trục giữa của con quay để làm nó xoay, nhưng giả thuyết này không giải thích tất cả những gì chúng ta thấy ở đây. Vì vậy, giải thích tốt nhất hiện có là một ngôi sao lùn trắng ở khoảng cách cực kỳ gần so với một hố đen".