Theo Sci-News, "tàu ma" cổ đại và hàng hóa của nó được ước tính có từ thế kỷ XIII trước Công nguyên, là xác tàu đắm lâu đời nhất được tìm thấy ở vùng biển sâu phía Đông Địa Trung Hải.
Hai trong số các chiếc bình cổ từ "tàu ma" được đem lên mặt đất để nghiên cứu, hãy còn nguyên vẹn - Ảnh: CƠ QUAN CỔ VẬT ISRAEL |
TS Jacob Sharvit, người đứng đầu đơn vị hàng hải tại Cơ quan Cổ vật Israel, cho biết đây là một khám phá đẳng cấp, hứa hẹn thay đổi những gì nhân loại đã biết về lịch sử hàng hải cổ đại.
Con tàu ma dài đến 12-14 m dường như đã bị chìm trong cơn khủng hoảng, do bão hoặc do một vụ cướp biển cố gắng tấn công, ở vị trí cách bờ biển Israel tới 90 km.
Đó là một tuyến đường vô cùng mạo hiểm đối với các thủy thủ cổ đại và cho thấy họ đã phải sở hữu các phương tiện đặc biệt giúp điều hướng trên biển.
Thông thường vào những thế kỷ xa xưa đến vậy, việc đi thuyền phải dựa vào các bờ biển. Nhưng khu vực xa bờ này thì chỉ có thể thấy bốn bề là đường chân trời.
Để định hướng, có lẽ họ đã sử dụng các thiên thể, bằng cách quan sát các góc nhìn của Mặt Trời và vị trí của các ngôi sao, cho thấy kiến thức thiên văn của người dân trong khu vực có thể đi trước thời đại.
HÌnh ảnh từ robot lặn cho thấy con tàu bị vùi trong bùn - Ảnh: CƠ QUAN CỔ VẬT ISRAEL |
Ngoài ra, con tàu vẫn lưu giữ một kho báu lớn: Cả tàu chở đầy amphorae, một loại bình cổ mà người xưa hay dùng để đựng nhiều thứ, bao gồm đựng hàng hóa trong các chuyến buôn xa.
Với niên đại hơn 3.300 năm, số bình cổ này đã trở thành kho báu lớn, chưa kể những gì chúng chứa đựng bên trong có thể mang về dữ liệu quý giá về hoạt động buôn bán cổ đại.
Phát hiện này được thực hiện trong một cuộc khảo sát môi trường dưới đáy biển của một nhóm từ công ty sản xuất khí đốt tự nhiên mang tên Energean, có trụ sở tại London - Anh.
Cho đến nay, mới chỉ có một lớp trên của con tàu được nghiên cứu. Việc nghiên cứu khá phức tạp bởi con tàu nằm ở nơi rất sâu, các nhà khoa học buộc phải tìm hiểu nó thông qua robot.
Hiện tại các nhà khảo cổ vừa phát hiện một lớp hiện vật thứ hai nằm bên dưới lớp đầu tiên, cho thấy các cấu trúc tàu có thể được bảo tồn khá nguyên vẹn bên dưới bùn.