ESOP (Employee Stock Ownership Plan) là chương trình lựa chọn cho người lao động. Cổ phiếu ESOP thường được phát hành với giá ưu đãi kèm một số điều kiện. Nhiều doanh nghiệp thực hiện để tạo động lực và nâng cao trách nhiệm của cán bộ nhân viên.
Các doanh nghiệp ồ ạt phát hành ESOP cuối năm
Cuối năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam tràn ngập tin tức các doanh nghiệp phát hành ESOP.
Từ khi lên sàn giữa tháng 7/2014, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) là doanh nghiệp tích cực phát hành ESOP, số lượng cổ phiếu ESOP phát hành hàng năm của MWG thường chiếm khoảng 2 – 3% lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp này tại từng thời điểm.
Mới đây, Công ty do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch đã thông qua phương án phát hành hơn 10,6 triệu cổ phiếu ESOP (tương ứng 2,4% lượng cổ phiếu lưu hành) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Số cổ phiếu ESOP này thường bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm, trong đó mỗi năm sẽ có 25% cổ phần đã nhận được tự do chuyển nhượng.
Chỉ vài ngày trước đó, doanh nghiệp mới lên sàn cách đây 1 năm là Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post, VTP) cũng mới thông qua phương án phát hành 1,17 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương tỷ lệ 2% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành.
Theo đó Viettel Post xác định giá phát hành cổ phiếu ESOP là 30.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phần phát hành này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm.
Không nằm ngoài “làn sóng”, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) cũng chốt danh sách chào bán 31 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 1,288% số cổ phiếu đang lưu hành cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp.
Theo phương án, VPBank sẽ phát hành thêm 31 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, trong đó gần một nửa dành riêng cho CEO Nguyễn Đức Vinh.
Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2019, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua và đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2018, VPBank cũng từng phát hành gần 33,7 triệu cổ phiếu ESOP cho 837 người, với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian là 3 năm.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu như giá cổ phiếu ESOP không quá rẻ so với mức thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường.
Trong trường hợp của cổ phiếu MWG, với mức thị giá quanh mức 109.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị thị trường của lượng cổ phiếu ESOP phát hành đợt này lên đến hơn 1.200 tỷ đồng trong khi số tiền cần chi ra để có được số cổ phiếu này chỉ 106 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ chiết khấu gần 91%.
Cùng phát hành với giá 10.000 đồng, lãnh đạo và người lao động của VPBank được hưởng mức chiết khấu 50% (thị giá VPB quanh mốc 20.000 đồng/cổ phiếu).
Trong khi đó, Viettel Post xác định giá phát hành cổ phiếu ESOP là 30.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 1/4 thị giá cổ phiếu VTP đang giao dịch trên sàn UPCoM. Lãnh đạo và người lao động chỉ phải bỏ ra hơn 35 tỷ đồng để có đượng lượng cổ phiếu có giá trị thị trường hơn 140 tỷ đồng.
Càng nhiều doanh nghiệp phát hành ESOP. |
Lợi hại khôn lường?
Nhìn chung, ESOP là một công cụ tốt giúp giữ chân người lao động và giúp công ty không phát sinh các khoản chi phí bằng tiền lớn nếu sử dụng cùng một lượng tiền tương đương để thưởng cho nhân viên, tác động xấu đến bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.
Đối với nhân viên, cổ phiếu ESOP như một hình thức tri ân đối với những đóng góp vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp và quan trọng hơn, hình thức này giúp cho nhân viên giảm đáng kể thuế thu nhập cá nhân so với việc thưởng bằng tiền
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, một lợi thế nổi bật của ESOP là các doanh nghiệp sẽ không phải ghi nhận một khoản chi phí lương thưởng so với thưởng bằng tiền.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ không phải chi trả bằng tiền mặt, mà sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại để phát hành cổ phiếu, như vậy sẽ tăng được vốn điều lệ và giữ lại tiền để tái đầu tư.
Tuy nhiên, như con dao có hai lưỡi, ESOP ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông khi chênh lệch giữa giá mua và giá thị trường quá lớn, có thể khiến cho nhiều nhà quản lý chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn để đạt các tiêu chí của việc chia ESOP, mà lờ đi các rủi ro có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cổ đông.
Ở một góc độ nào đó, nhà đầu tư thường không mấy hào hứng với các kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc có thêm một lượng cung giá rẻ luôn sẵn sàng xử ra thị trường khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến giá cổ phiếu.
Trước đó, cũng có khá nhiều cổ phiếu quay đầu lao dốc khi thông tin phát hành ESOP được phát ra.
Có thể lấy ví dụ cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) đã giảm mạnh từ 35.000 đồng/cp xuống mức 28.500 đồng/cp như hiện nay ngay khi công ty công bố định bán cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp kèm điều kiện được phong tỏa dần dần.
Hay như CTCP Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA) đã phải thông báo dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu ESOP năm 2019 đã được thông qua. Nguyên nhân có thể đến từ việc cổ phiếu AAA đã ngay lập tức giảm 25% sau khi thông tin được công bố.