Theo phương án phát hành, LCG chào bán gần 29,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá để huy động 294 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng 130 tỷ đồng tái cơ cấu các khoản nợ và góp 164 tỷ đồng vào Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Ðiền Phước để triển khai dự án bất động sản Ðiền Phước.
Mức giá phát hành căn cứ trên giá trị sổ sách của cổ phiếu tại thời điểm 31/12/2018 là 15.026 đồng/cổ phiếu và giá đóng cửa tại thời điểm cuối tháng 5/2019 là 10.250 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, đợt chào bán kết thúc ngày 28/2/2020 cho kết quả không như mong đợi, chỉ có 2.407 cổ phiếu được phân phối thành công cho 20 cổ đông (trong đó có 3 cổ đông nước ngoài mua 1.920 cổ phiếu), tương ứng doanh nghiệp thu về hơn 24 triệu đồng.
Lịch sử giao dịch của cổ phiếu LCG cho thấy, mức giá đỉnh trong vòng 10 năm qua là 11.000 đồng/cổ phiếu.
Từ tháng 12/2019 đến nay, thị giá cao nhất mà cổ phiếu này đạt được là 8.400 đồng/cổ phiếu (26/12/2019). Riêng giai đoạn cuối tháng 2/2020 đến nay, giá cổ phiếu LCG dao động quanh ngưỡng 6.000 đồng/cổ phiếu (ngày 18/3 là 5.200 đồng/cổ phiếu).
Với mức giá phát hành cao hơn hẳn thị giá, các cổ đông hiện hữu không mặn mà tham gia là hoàn toàn dễ hiểu.
LCG đã quyết định hủy toàn bộ lượng cổ phiếu không phân phối hết. Theo quan điểm của Hội đồng quản trị đã chia sẻ trong cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông năm 2019, “nếu cổ đông mua không hết, Hội đồng quản trị sẽ tiếp tục bán cho cổ đông hiện hữu khác, chứ không bán cho cổ đông bên ngoài”.
Vấn đề cần quan tâm hơn là kế hoạch giải ngân của LCG sẽ bị chậm lại và doanh nghiệp phải tìm phương án thay thế.
Hội đồng quản trị LCG cho biết, Công ty sẽ xem xét sử dụng linh hoạt các nguồn vốn khác như vốn vay thương mại, vốn thu từ hoạt động kinh doanh để thực hiện góp vốn nhằm đảm bảo kế hoạch thực hiện của dự án.
Trong kế hoạch huy động vốn của LCG đã được Ðại hội đồng cổ đông thông qua, ngoài phương án phát hành 29,4 triệu cổ phiếu, Công ty còn dự kiến phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu thông qua 3 phương án: trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu dự án, vì LCG đang “rất cần tiền”.
Trong đó, trái phiếu dự án là phương án mà LCG mong muốn nhất, nhằm mục đích có nguồn phục vụ cho dự án Ðiền Phước.
Nếu thành công, LCG sẵn sàng mang 40% diện tích dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng làm tài sản thế chấp cho người mua. Sau đó, đền bù đến đâu, giao tài sản làm thế chấp đến đó.
Ðối với phương án trái phiếu doanh nghiệp, đại diện LCG cho hay, kênh huy động vốn này có yêu cầu gắt gao về tài sản bảo đảm, Công ty không có đủ tài sản bảo đảm so với giá trị muốn phát hành.
Ngoài ra, các tổ chức trung gian không ủng hộ phương án này. Về phương án trái phiếu chuyển đổi, cổ đông ngoại lo ngại sẽ bị giảm tỷ lệ sở hữu sau khi chuyển đổi.
Giải thích kế hoạch vừa huy động vốn cổ phần, vừa huy động trái phiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị LCG từng nói, Công ty đang “cần rất nhiều tiền”.
Ðược biết, dự án Ðiền Phước có quy mô 95 ha, hiện LCG đền bù được 40%, còn lại 60% chưa đền bù. Ðiểm mấu chốt là thời gian càng kéo dài, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng càng tăng.
Tại Ðại hội đồng cổ đông tháng 6/2019, LCG chia sẻ, 2 năm trước, mức đền bù khoảng 3 tỷ đồng/1 ha, nhưng nay là 8 tỷ đồng/1 ha.
Theo tính toán của LCG, với 60% còn lại của 95 ha, Công ty cần ít nhất 500 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng đối với dự án Ðiền Phước.
Nếu thực hiện xong giải phóng mặt bằng sớm, đây sẽ là lợi ích lớn của LCG, bởi dự án này chỉ cách Quận 9, TP.HCM một con sông, mà đất Quận 9 hiện có giá khoảng 30 triệu đồng/m2.
Vốn trái phiếu mà LCG muốn huy động tối đa là 500 tỷ đồng, trong đó chia 2 phần: 300 tỷ đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Ðiền Phước giai đoạn 2020 - 2021; phần còn lại dành cho sau năm 2021, để hoàn thiện hạ tầng và triển khai kinh doanh dự án Ðiền Phước.
Tính đến ngày 31/12/2019, LCG đầu tư vào nhiều dự án khiến tiền và tương đương tiền chỉ còn hơn 61 tỷ đồng, giảm trên 150 tỷ đồng so với đầu năm, trong khi nợ vay ngắn hạn có xu hướng tăng, đạt 852 tỷ đồng (tăng 150 tỷ đồng). Trong cơ cấu tài sản, Công ty có giá trị tồn kho các công trình xây dựng dở dang 578 tỷ đồng và giá trị tồn kho các bất động sản dở dang là 161 tỷ đồng, tập trung tại dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Khu dân cư Nhơn Trạch 27 ha , Khu dân cư Điền Phước, Khu dân cư Bảo Lộc… Trong khi nhu cầu vốn lớn, khoản phải thu của LCG tăng 46%, lên 1.577 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh thêm các khoản phải thu: Công ty Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 là 138,6 tỷ đồng, Ban quản lý dự án Nước sạch sông Đà 137 tỷ đồng (tăng 40 tỷ đồng), Công ty Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 gần 105 tỷ đồng, Công ty TNHH Minh Tâm 84 tỷ đồng, khách hàng Khu dân cư Nhơn Trạch 73 tỷ đồng, Công ty cổ phần Licogi 13 là 184 tỷ đồng (tăng 134 tỷ đồng)… Đáng lưu ý, Công ty có khoản thu các bên liên quan hơn 407 tỷ đồng (giảm 90 tỷ đồng so với đầu năm). Bên cạnh đó, LCG có các khoản đầu tư/góp vốn như 180 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Bắc Giang Lạng Sơn Hữu Nghị, 28 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Điện lực Licogi 16, 15 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Nước Sài Gòn - An Khê. |