Ảnh minh họa. |
Cố chấp là khổ, là chưa biết tu. |
Rồi đến thời này mấy đứa nhỏ để tóc dài, có khi tới cổ thì mình không chấp nhận? Mình để tóc ngắn mát mẻ, còn nó để dài lù xù nhưng nó lại thấy đẹp. Nếu đem cái nhìn của người cha mà trách đứa con thì đứa con cũng nhìn lại người cha bằng cặp mắt lạc hậu. Bây giờ phải xử làm sao?
Thôi, ba muốn mát mẻ ba hớt ngắn, con thích để dài cho đẹp thì con cứ để dài. Chuyện tóc tai, mỗi người mỗi sở thích riêng, bắt nó giống mình sao được?
Quý Phật tử xin hãy nhớ, một lứa tuổi là qua một thế hệ khác nhau, không giống nhau được. Không giống mà mình đem ý của mình, cái phải của mình áp đặt cho nó thì nó không chịu. Mà không chịu thì sanh ra giận hờn, buồn trách, khổ sở. Vậy thì muốn cho hết khổ mình đừng cố chấp, phải buông bỏ. Buông nghĩa là xả.
Quan niệm của con thì con làm, quan niệm của ba thì ba giữ; phần ai nấy giữ, người này đừng áp đặt người kia, như thế chúng ta sống rất là thoải mái, nhẹ nhàng, còn nếu mình cố chấp thì sống bực hoài, lúc nào cũng bất như ý.
Nó thích mang kính trắng thì để nó mang, mình không thích thì thôi chứ mình không thích mà bắt nó theo mình sao được? Đó là quan niệm của mỗi người, miễn làm sao con biết kính trọng, thương cha, cha thương con là đủ. Tình thương mới là quan trọng, còn những cái bên ngoài đâu có quan trọng.
Xả bỏ, được... an vui
Vậy mà nhiều người vì cố chấp hình thức bên ngoài làm cho mất hết tình nghĩa trong gia đình, khiến cha con phiền muộn, vợ chồng không vui với nhau. Đó là tại cố chấp. Quý Phật tử nghĩ mình xả bỏ, đừng cố chấp có bớt khổ không? Còn cố chấp như câu chuyện tôi vừa kể khổ không, lúc nào cũng buồn bực.
Vì vậy cha mẹ nên thông cảm với con, con thông cảm với cha mẹ. Mà muốn được thông cảm thì hai bên đều xả, xả cái phải của mình thì thông cảm; ngược lại, nếu không chịu xả, tự nhiên là khổ.
Đó là nói về lứa tuổi giữa người lớn và người trẻ. Còn nếu vợ chồng mà cố chấp thì sao, có khổ không? Như bên phái nữ lâu nay quen rồi, nào là lọ tương, hũ tiêu, hũ ớt v.v… những cái nhỏ họ coi chừng từng chút để nấu nướng. Còn người đàn ông đâu có để ý đến những thứ đó, mà họ nghĩ chuyện xã giao bên ngoài người này người nọ. Cho nên người chồng vì xã giao bạn bè nhiều, thành ra chi phí hơi rộng.
Người phụ nữ chỉ lo chi tiết nhỏ trong nhà nên tiết kiệm, thấy chồng tiêu xài lớn một chút thì càm ràm. Còn chồng thấy vợ keo kiệt, nhỏ nhít quá cũng không bằng lòng. Như vậy vợ trách chồng lãng phí, chồng chê vợ keo kiệt thì gia đình có vui không? Không bên nào bằng lòng bên nào hết vì ai cũng nghĩ mình đúng.
Nếu người vợ bắt người chồng phải theo ý của mình, ngược lại người chồng bắt vợ phải theo ý của mình thì gia đình đó nhất định cãi lộn mãi. Nếu hai bên chồng và vợ cảm thông nhau, người chồng nghĩ rằng cô ấy lo chuyện bếp núc cho nên quen cái nhỏ nhặt, hũ tương, hũ ớt v.v… thành ra tiêu xài lớn cô không đồng ý cũng phải.
Còn vợ thông cảm cho chồng, bởi vì anh ấy làm bên ngoài, giao thiệp kẻ này người nọ thì phải rộng rãi một chút người ta mới vui. Nếu bắt chồng hẹp hòi quá thì bạn bè khi dễ, không chơi với mình, như vậy tội nghiệp.
Hai bên thông cảm thì gia đình sống sẽ vui, không chống chọi nhau. Đó là nói những việc nhỏ thôi, còn những việc lớn khác nữa, quý vị nghiệm xét rồi thông cảm, hiểu biết nhau đừng cố chấp, cố chấp thì khổ.
Tóm lại xả bỏ là tu, còn cố chấp là chưa biết tu. Thế gian do cố chấp nên người nào cũng thấy sống trong gia đình không có hạnh phúc. Đã cố chấp thì làm sao hạnh phúc được? Chồng chấp theo chồng, vợ chấp theo vợ, cha chấp theo cha, con chấp theo con, thành ra không ai thông cảm ai. Mà không thông cảm thì tự nhiên là phải buồn phải khổ.
Bây giờ mỗi người tự xả bỏ cố chấp của mình để thông cảm với những người thân thì tự nhiên gia đình an vui, hạnh phúc. Đó là bước thứ nhất xả chấp phải, chấp quấy theo quan niệm của mình...