Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra vào năm 1917 đã khiến cả thế giới phải tỉnh giấc, kéo theo đó là hàng loạt các cuộc cách mạng giành chính quyền chuyên chính vô sản ở nhiều nước khác trên thế giới và ảnh hưởng sâu rộng tới quan hệ ngoại giao của nước Nga với nhiều nước trên thế giới. Tới tận ngày nay, mối quan hệ của nước Nga với thế giới vẫn chịu ít nhiều ảnh hưởng từ những phản ứng của thế giới sau Cách mạng Tháng Mười Nga.
Làn sóng cách mạng
Diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ nhất vẫn chưa ngã ngũ, cả thế giới vẫn còn đang ở trong cơn hỗn loạn, Cách mạng Tháng Mười Nga đã khiến nhiều dân tộc trên thế giới tỉnh ngộ, mở đường cho một loạt các cuộc cách mạng giai cấp. Dù đó có thể không phải là một cuộc cách mạng chuyên chính vô sản nhưng không thể phủ nhận được rằng phần lớn các cuộc cách mạng trên thế giới sau tháng 11/1917 đều lấy cảm hứng từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga.
Những binh lính Bolshevik duyệt binh trên Quảng Trường Đỏ. Nguồn ảnh: Wiki. |
Ireland
Vùng đất nằm trong lãnh thổ của Vương Quốc Anh này được xem là nơi đầu tiên hưởng ứng theo phong trào cách mạng chuyên chính vô sản của lãnh tụ Lenin sau khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga thành công.
Diễn ra trong thời gian từ năm 1916 và kéo dài tới năm 1921 thì kết thúc, các cuộc nổi dậy của người Ireland nhằm tách ra khỏi Anh, trở thành một quốc gia độc lập được coi là có sự chỉ đạo của những tổ chức Cộng Sản Ireland kết hợp với chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy. Giới sử gia nhận định, cuộc cách mạng Ireland là sự sao chép “lỗi” của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga khi mà trong hàng ngũ lãnh đạo của Ireland lúc bấy giờ, có cả những người theo xu hướng dân tộc, một phần theo xu hướng dân chủ và một phần theo chủ nghĩa cộng sản, chính điều đó đã khiến cuộc cách mạng này đi đến thất bại do không đồng nhất về một mục tiêu thắng lợi.
Châu Âu
Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng đã tạo cảm hứng cho Cuộc cách mạng Đức và một loạt các quốc gia khác, mở đầu cho một khối liên minh chính trị, quân sự sau này giữa Liên Xô với các nước Đông Âu. Cụ thể, hàng loạt các quốc gia như Đức, Cộng hòa Xanh Bavarian, Hungaria, Bienio Rosso ở Ý cùng với nhiều vùng đất khác trên khắp châu Âu đều nổ ra những cuộc nổi dậy chống chính quyền bản địa. Những cuộc nổi dậy này đều mang hơi hướng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga nhưng do không có sự chuẩn bị kỹ càng nên phần lớn đều thất bại.
Sau đó một liên minh Quốc tế Cộng Sản do Liên Xô lãnh đạo đã được thành lập, mặc dù tham vọng của liên minh này là tiến hành một cuộc cách mạng cộng sản quy môt toàn thế giới, tuy nhiên tham vọng đó đã không thành khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra sau đó chỉ 2 thập kỷ. Kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên Xô đã ủng hộ các nước Baltic, Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc, Romania, Bulgaria và Đông Đức đi theo chế độ Cộng Sản bằng việc đưa các đảng cộng sản, đảng lao động ở các nước này lên nắm chính quyền.
Mối quan hệ ngoại giao của Liên Xô với thế giới
Nói một cách ngắn gọn, kẻ thù của Nga Hoàng sẽ chào đón Bolshevik còn bạn thân của Nga Hoàng chắc chắn sẽ ghét bỏ Bolshevik.
Quân viễn chinh Mỹ trên đường tới Vladivostok tham chiến chống lại nhà nước Xô-Viết non trẻ sau cách mạng. Nguồn ảnh: Warhistory. |
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, với danh nghĩa là Đồng Minh của Nga Hoàng trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Anh đã gửi quân tới Nga để hỗ trợ các lực lượng Bạch Vệ và lực lượng phản cách mạng ở Nga nhằm chống lại chính quyền Xô-Viết non trẻ. Mặc dù vậy, các cuộc nổi dậy của Bạch Vệ và các cuộc tấn công của quân Anh trong thời gian này đều bị chính quyền Xô-Viết và Hồng quân đập tan. Cần phải lưu ý một điều là quân đội của Xô-Viế trong thời kỳ này có thành phần nòng cốt chủ yếu là tướng lĩnh và sĩ quan của quân đội Nga Hoàng giác ngộ và đi theo cách mạng.
Còn ở phía bên kia bán cầu, vùng đất Siberia lạnh giá cũng được chọn làm nơi trú chân của những kẻ chạy trốn cuộc cách mạng, chúng là những kẻ chống lại chính quyền nhân dân mới ở Nga, những người có mối quan hệ thân tín, thậm chí là có chức tước trong chính quyền cũ không chỉ đến từ Nga mà còn đến từ Tiệp Khắc, Ba Lan và Belarusia. Những kẻ chạy trốn này đã được nước Mỹ giúp đỡ với mưu đồ thành lập một nhà nước tự trị riêng ở vùng Siberia.
Mỹ với Nga Hoàng vốn có mối quan hệ rất thân thiết nên tất nhiên Washington không thể lẳng lặng đứng nhìn “người bạn” mình bị chính quyền chuyên chính vô sản đánh đổ. Mỹ đã gửi quân tới Siberia gần như ngay lập tức, kết hợp với những kẻ phản động chống phá cách mạng lưu vong, tiến hành nhiều cuộc đụng độ với Hồng Quân non trẻ nhằm chiếm lấy một vùng đất ở Siberia và thành lập khu tự trị. Tuy nhiên, nỗ lực này của Washington đã thất bại thảm hại và phần lớn những kẻ phản động lưu vong cùng với lực lượng viễn chinh Mỹ đã bị tiêu diệt.
Cũng chính sau sự kiện này, mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với nước Nga mới ngày càng trở nên xấu hơn cho tới tận ngày nay. Ít ai biết rằng, mới chỉ 100 năm trước, Mỹ và Nga đã từng là đồng minh thân thiết.