Chiều 11/6, ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp cho biết, đơn vị này đã có văn bản gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tem Việt Nam kiến nghị về bộ tem bưu chính Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Theo văn bản trên, nhân ngày du lịch quốc gia, Bưu chính Trung Quốc phát hành bộ tem phổ thông 6 mẫu mang tên “Mỹ lệ Trung Quốc” (Trung Quốc xinh đẹp) giới thiệu một số thắng cảnh.
Ngoài 5 thắng cảnh nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, còn có một thắng cảnh nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là mẫu tem thứ 4 có giá mặt 1,2 nhân dân tệ mang tên “Tam Sa thất liên dữ” (tạm dịch: nhóm 7 đảo nhỏ liền nhau ở Tam Sa) thể hiện hình ảnh bảy đảo thuộc nhóm An Vĩnh ở phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ngoài ra, Bưu chính Trung Quốc còn phát hành một phong bì ngày đầu tiên (FDC) và một bưu ảnh mang hình ảnh nhóm đảo này.
Con tem vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam này là hoàn toàn vô giá trị (Nguồn: Vietstamp.net) |
Đây là lần thứ hai Bưu chính Trung Quốc có hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam trên tem. Năm 2004, họ đã phát hành bộ tem “Phong cảnh biên giới Trung Quốc”, trong đó có một mẫu tem thể hiện quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên Trung Quốc "nhận xằng" biển Đông và các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam thông qua những hình ảnh in ấn phát hành. Mới đây, Trung Quốc còn trắng trợn in bản đồ Trung Quốc mới, trong đó Trung Quốc ôm 80% diện tích biển Đông vào mình. Các chuyên gia nhận định bản đồ ôm trọn các đảo, quần đảo ở biển Đông mà Trung Quốc xuất bản, phát hành lần này tiếp tục đẩy mạnh tham vọng độc chiếm biển Đông.
Trước đó, tháng 11/2012, Trung Quốc đã in bản đồ hình lưỡi bò - biểu thị yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển đảo chung quanh - trên hộ chiếu. Ngay sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã tuyên bố hành động trên của Trung Quốc “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm phản đối và yêu cầu Bắc Kinh “hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử nêu trên”.
TIN BÀI LIÊN QUAN