Hiện tượng không ghi nhận đúng, đầy đủ ý kiến của Luật sư vào trong Bản án, đã được nêu ra tại “Hội thảo sơ kết 5 năm thi hành BLTTHS 2015, thực tiễn thi hành và giải pháp, kiến nghị”, do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức. Phát biểu tại Hội nghị, Luật sư Trương Xuân Tám (Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, hỗ trợ luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã nêu quan điểm: ý kiến của Luật sư tại phiên tòa cũng là cơ sở để tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm xem xét. Đồng thời dẫn chứng "Có Luật sư phản ánh rằng Luật sư tham gia bào chữa một vụ án cả năm trời, phiên tòa diễn ra cả tháng, bài bào chữa của LS phân tích rất sâu sắc và tâm huyết, dài 50-100 trang nhưng trong bản án chỉ ghi được một đến hai dòng, thậm chí không được ghi nhận” .
Với bề dày kinh nghiệm hành nghề luật sư, đặc biệt là trong các vụ “đại án”, “án điểm”, “án thuộc diện trung ương chỉ đạo” trên phạm vi cả nước. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law Firm) cho biết, việc không ghi nhận đầy đủ, chính xác ý kiến của Luật sư trong các Bản án không phải là hiện tượng hy hữu mà khá phổ biến.
Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law Firm). |
Hiện tượng này, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động hành nghề Luật sư nói riêng và việc tuân thủ quy định pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa nói chung. Luật sư Tú viện dẫn, vừa qua, trong một vụ án Hình sự do TAND huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm đối với bị cáo, nguyên là đội trưởng đội nghiệp vụ thuế về tội “Nhận hối lộ”quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015. Trong vụ án này, các Luật sư bào chữa cho bị cáo đã đưa ra rất nhiều quan điểm pháp lý, cung cấp các tài liệu chứng cứ để chứng minh việc truy tố bị cáo về tội danh “Nhận hối lộ” là chưa có đủ cơ sở để kết luận, nhiều tài liệu mới bổ sung cần được xem xét, đánh giá. Ngoài ra, Luật sư cũng cho rằng, các Kết luận giám định (KLGĐ) dùng làm căn cứ buộc tội cần phải được giám định lại, vì có cơ sở xác định nội dung KLGĐ là không khách quan, tài liệu là các đoạn băng ghi âm dùng để giám định có dấu hiệu cắt ghép, chỉnh sửa… Đồng thời còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội, trên cơ sở đó, đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tại phiên toà, phần trình bày luận cứ bào chữa và tranh luận đối đáp giữa Luật sư và đại diện VKS diễn ra với rất nhiều quan điểm, ý kiến pháp lý. Phần trình bày luận cứ bào chữa của các luật sư kéo dài khoảng hơn 2 giờ, nhưng trong Bản án hoàn toàn không ghi nhận ý kiến của Luật sư, mà chỉ “diễn giải lại” một số ý kiến, quan điểm của Luật sư theo suy nghĩ chủ quan của HĐXX. Từ đó, đưa đến kết luận không chấp nhận quan điểm bào chữa của Luật sư. Cho rằng, Bản án được tuyên không phù hợp với quy định tại Điều 260 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, ngày 07/11/2023, một trong các Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo là Luật sư Hứa Thị Trung Nghĩa, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai, đã làm Đơn khiếu nại Bản án sơ thẩm gửi đến TAND huyện Đắk Tô và TAND tỉnh Kon Tum. Đồng thời, do bị cáo có kháng cáo, vụ án này sẽ tiếp tục được TAND tỉnh Kon Tum xét xử theo thủ tục phúc thẩm trong thời gian tới.
Cũng trong một vụ đại án mà Luật sư Tú tham gia được xét xử tại Hà Nội, vụ án này có 105 Luật sư tham gia bào chữa, với các Luận cứ bào chữa rất sâu sắc, tâm huyết, với mỗi Bản luận cứ bào chữa lên đến vài chục trang A4. Tuy nhiên, trong nội dung Bản án được tuyên, toàn bộ quan điểm của 105 Luật sư chỉ được “tóm tắt”, “diễn giải lại” bằng 24 dòng, chưa đầy 01 trang A4. Mọi người hay nói vui “đây là đỉnh cao của kỹ năng tóm tắt nội dung”. Thậm chí, có vụ án chính Luật sư Tú tham gia bào chữa nêu quan điểm không cấu thành tội phạm, nhưng Bản án lại ghi Luật sư bào chữa xin chuyển tội danh.
Về khung pháp lý điều chỉnh vấn đề này, Luật sư Tú cho biết, tại Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49) về các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Bộ Chính trị đã nêu rõ, phải bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa. Cụ thể hoá định hướng tại Nghị quyết 49, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS 2015) đã có những quy định về mặt nguyên tắc như: Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự (Điều 7); Xác định sự thật của vụ án (Điều 15). Theo đó, trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình (Điều 17). Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án. Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa (Điều 26). Tại Điều 322 BLTTHS 2015 về tranh luận tại phiên tòa cũng quy định: “... Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án…”. Tiếp đó, Điều 260 BLTTHS 2015 đã quy định: “Bản án sơ thẩm phải ghi rõ… c) Ý kiến của người bào chữa… đ) Phân tích lý do mà Hội đồng xét xử không chấp nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự và người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đưa ra;…”.
Như vậy, mặc dù khung pháp lý điều chỉnh vấn đề trên đã đầy đủ, từ cấp độ Nghị quyết của Bộ Chính trị đến BLTTHS 2015. Tuy nhiên, việc tuân thủ, chấp hành những quy định này từ phía Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT), người tiến hành tố tụng hiện nay vẫn chưa được đảm bảo một cách nghiêm chỉnh. Từ những vấn đề nêu trên, Luật sư Tú kiến nghị, đề xuất phía CQTHTT, người tiến hành tố tụng cần có những buổi Tổng kết kinh nghiệm xét xử để sớm khắc phục những hạn chế nêu trên. Nhằm tuân thủ tuyệt đối quy định tại BLTTHS 2015, cũng như quán triệt tinh thần, tư tưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ về công tác cải cách tư pháp đã được nêu tại Nghị quyết 49.