Thông tin về vụ việc Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên bị tố hiếp dâm nữ nhân viên, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, tối ngày 3/8, chị N.T.T – cán bộ của Sở KH&ĐT Thái Nguyên có đơn trình báo đến Công an TP Thái Nguyên về việc ông Đ. D. A., PGĐ Sở có hành vi xâm phạm nhân phẩm của chị và đề nghị khởi tố ông A. Tuy nhiên, chiều 4/8, nữ nhân viên này đã đến cơ quan công an nộp đơn xin rút yêu cầu khởi tố.
Về sự việc trên, Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra, làm rõ để kịp thời xử lý nghiêm minh theo đúng quy định về kỷ luật trong Đảng và pháp luật.
Ảnh minh họa. |
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng cho biết, ông Đ.D.A. có tường trình, nhận những sai sót của mình trong quá trình ứng xử nơi công sở.
“Việc ông Đ.D.A. sàm sỡ nhân viên là có thật. Hiện tại chúng tôi đang làm việc về dấu hiệu vi phạm đó, xem vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó", ông Hùng thông tin khi trao đổi với báo chí.
Dư luận đặt câu hỏi, với việc nữ nhân viên rút yêu cầu khởi tố, ông Đ.D.A. có… thoát tội?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trường hợp nữ nhân viên – nạn nhân của vụ việc tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố, có thể ông Đ.D.A., PGĐ Sở KH&ĐT Thái Nguyên sẽ thoát án hình sự. Tuy nhiên, với hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, ông A. sẽ bị phạt hành chính và xem xét kỷ luật Đảng và kỷ luật công chức theo quy định.
Dẫn lại thông tin diễn biến vụ việc, vào khoảng 13h30 ngày 3/8, nữ nhân viên N.T.T. của Sở KH&ĐT Thái Nguyên được ông Đ.D.A. là Phó giám đốc Sở nhắn tin sang phòng làm việc. Khi nữ nhân viên này đến phòng, ông A. đã kéo nữ nhân này vào phòng ngủ, khóa cửa phòng lại, sau đó ôm vật nữ nhân viên này ra giường mà không được sự đồng ý của nạn nhân. Sau một hồi vật lộn, chống cự, nữ nhân viên này đã chạy thoát được ra ngoài thông báo cho các đồng nghiệp và lãnh đạo Sở biết sự việc.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, sự việc diễn ra giữa ban ngày, có nhiều người chứng kiến. Khi nạn nhân chạy thoát ra bên ngoài, quần áo, đầu tóc, có dấu hiệu bị tấn công tình dục, tâm lý hoảng loạn. Cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và thu giữ được những vật chứng của vụ án. Mặc dù đối tượng chưa thực hiện được đến cùng hành vi phạm tội là quan hệ tình dục trái ý muốn với nạn nhân nhưng những thông tin tình tiết ban đầu cho thấy hành vi có dấu hiệu tội phạm về tội hiếp dâm theo quy định tại điều 141 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo quy định của pháp luật, tội hiếp dâm là tội danh cấu thành hình thức. Theo đó, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác tấn công nạn nhân với mục đích quan hệ tình dục trái ý muốn với nạn nhân là hành vi đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã thực hiện xong hành vi quan hệ tình dục hay chưa, đã thỏa mãn sinh lý hay chưa.
Với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được để thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn thì đây là hành vi phạm tội và người phạm tội phải đối mặt với hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Tuy nhiên, trường hợp phạm tội ở khoản 1, Điều 141 BLHS, pháp luật quy định phải có đơn đề nghị xử lý hình sự của người bị hại, cơ quan tố tụng mới xem xét giải quyết. Do đó, trong quá trình giải quyết mà người bị hại tự nguyện rút đơn, vụ án sẽ được đình chỉ.
Nếu phạm tội thuộc khoản 2 trở lên, việc xử lý sẽ không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại.
Cụ thể, điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại nêu rõ:
“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”
Như vậy, trong trường hợp này nếu trong quá trình xác minh tin báo mà người bị hại tự nguyện rút đơn, cơ quan điều tra sẽ đình chỉ giải quyết tin báo và sẽ xử phạt hành chính, đồng thời, đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật về mặt chính quyền đối với Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên này.
Trường hợp cơ quan điều tra cho thấy, việc bị hại rút đơn là do bị ép buộc, cưỡng bức thì việc rút đơn này không có hiệu lực, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Với hành vi hiếp dâm theo quy định tại khoản 1, Điều 141 bộ luật hình sự, vị cán bộ này sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất có thể 7 năm tù.
Luật sư Cường cho rằng, sau khi nhận được đơn xin rút đơn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của nạn nhân, cơ quan điều tra cũng sẽ làm việc với nạn nhân để làm rõ việc rút đơn có tự nguyện hay không, có bị ai ép buộc, cưỡng bức hay không làm cơ sở để căn cứ vào điều 155 bộ luật tố tụng hình sự, điều 141 bộ luật hình sự để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét dấu hiệu hành vi vi phạm có thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 141 Bộ luật hình sự trở lên hay không. Trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 141 bộ luật hình sự hoặc việc rút đơn của nạn nhân là do bị đe dọa, ép buộc, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục giải quyết và không chấp nhận rút đơn của người bị hại.
Với hành vi vi phạm đạo đức và lối sống như vậy, dù nạn nhân rút đơn và không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng cũng cần xử lý kỷ luật vị Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên với mức kỷ luật cao nhất là cách chức, buộc thôi việc. Ngoài ra tổ chức Đảng cũng sẽ xem xét kỷ luật đảng đối với vị cán bộ này.
“Đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu, phải chấp hành tốt chính sách pháp luật, phải tôn trọng đồng nghiệp. Tuy nhiên hành vi của cán bộ này cho thấy sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, có hành vi vi phạm pháp luật nên có thể sẽ bị xử lý kỷ luật với mức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng”, luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhiều lần hiếp dâm con riêng của vợ:
Nguồn: THĐT