Tại kỳ họp 39, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Petrolimex đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tập đoàn có nhiều vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ; trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản; hoạt động kinh doanh xăng dầu; cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn nhà nước và thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước.
Ông Bùi Ngọc Bảo, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn.
Các ông: Trần Văn Thịnh, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên ủy viên HĐQT, nguyên Tổng giám đốc; Trần Minh Hải, Phó bí thư thường trực Đảng ủy; Nguyễn Thanh Sơn, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, ủy viên HĐQT; Nguyễn Quang Tuấn, nguyên đảng ủy viên, nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Petrolimex Singapore cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Dưới thời vị Chủ tịch này, Petrolimex làm ăn ra sao?
Ông Bảo gia nhập Petrolimex vào tháng 11/1995 với chức danh Phó tổng giám đốc, rồi lên Tổng giám đốc vào tháng 1/2005.
Tháng 10/2007, ông Bảo chính thức giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Petrolimex. Tháng 11/2011, ông Bảo chỉ còn giữ chức Chủ tịch cho đến tháng 5/2018.
Như vậy, ông Bảo đã có 10 năm trên cương vị cao nhất tại Petrolimex (2007-2018). Vậy dưới thời vị Chủ tịch này, Petrolimex làm ăn ra sao?
Các chỉ số lợi nhuận của Petrolimex những năm qua (tỷ đồng) |
Petrolimex chỉ công bố báo cáo tài chính phổ biến từ giai đoạn 2011 trở lại đây. Theo đó, ngay trong năm 2011, Petrolimex đã lỗ khủng hơn 1.900 tỷ đồng do ảnh hưởng từ lỗ hoạt động tài chính hơn 2.500 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước khi đó, sở dĩ Petrolimex lỗ lớn từ hoạt động tài chính do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tăng cao đột biến. Tiếp đến là giá bán lẻ nhiều giai đoạn thấp hơn giá cơ sở do liên bộ Công thương-Tài chính thực hiện các biện pháp bình ổn giá xăng dầu.
Nguyên nhân khác là do chi phí kinh doanh tăng do các yếu tố tiền thuê đất, tiền lương, chi phí vận chuyển tăng và một số nguyên nhân khác.
Năm 2009 và năm 2010, kiểm toán Nhà nước không thực hiện kiểm toán tại Petrolimex. Song theo báo cáo của doanh nghiệp này, năm 2009 họ lãi 2.660 tỷ đồng và năm 2010 lỗ 172 tỷ đồng.
Tiếp đến năm 2014, Petrolimex tiếp tục báo lỗ 365 tỷ đồng. Riêng trong quý 4 của năm này đã ngốn tới 1.145 tỷ đồng lỗ ròng. Theo giải trình của phó tổng Petrolimex khi đó vẫn là do giá xăng dầu giảm sâu, tốc độ quá nhanh và đột ngột là nguyên nhân chính. Thứ hai là do ảnh hưởng của Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
Còn gần đây nhất, tại thời điểm cuối tháng 6/2019, Petrolimex có tổng nguồn vốn 57.787 tỷ đồng.
Trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 33.543 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.694 tỷ đồng.
Gánh nặng của Petrolimex chính là vay nợ tài chính ngắn hạn tới 11.951 tỷ đồng, do đó hàng quý, Tập đoàn này phải trả tới hàng trăm tỷ đồng cho chi phí lãi vay, riêng quý 2/2019 là 239 tỷ đồng.
Tính cả năm 2018, chi phí lãi vay ngốn tới 864 tỷ đồng của Petrolimex.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PLX ghi nhận mức giảm 1.95% trong vòng 1 tuần vừa qua, xuống mức 60.400 đồng/cổ phiếu vào 10h44 phút sáng 01/10.
Hiện cổ đông lớn nhất của Petrolimex chính là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước với 84,71%, tương ứng hơn 981 triệu cổ phần. Ngoài ra còn có Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam với tỷ lệ 8,93%.
Nói thế để thấy rằng, do lượng cổ phiếu lưu hành không nhiều nên dường như thông tin vi phạm của cựu Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo và các lãnh đạo khác không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu PLX trên sàn chứng khoán.