Sáng 20/12, VKSND TP Hà Nội công bố bản luận tội 14 bị cáo trong vụ án Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Trong số các bị cáo, cựu Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn bị đề nghị áp dụng mức án từ 14 – 16 năm tù về hai tội “vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "nhận hối lộ".
Theo bản luận tội của VKSND TP Hà Nội, bị cáo Trương Minh Tuấn với trách nhiệm là Thứ trưởng Bộ TT&TT, bị cáo đã đồng ý với đề xuất của Phạm Đình Trọng. Theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, bị cáo đã ký nhiều văn bản triển khai dự án dù biết dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG phải tuân theo các quy định của Luật 67, 69 và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng…
Thực hiện sự chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, bị cáo vẫn ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả đầu tư dự án… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.
Bị cáo Trương Minh Tuấn. |
Quá trình điều tra cũng như xét hỏi tại tòa đã làm rõ thời điểm bị cáo ký quyết định 236 (phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone) là trong hoàn cảnh thụ động, bắt buộc do không thuộc lĩnh vực phân công phụ trách và đã có ý kiến với bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Tuy nhiên, bị cáo Son không đồng ý nên bị cáo Trương Minh Tuấn buộc phải ký quyết định nêu trên.
Tại phiên xét hỏi, khi HĐXX đặt câu hỏi về việc bị cáo không phụ trách lĩnh vực tài chính, kế toán, không phụ trách MobiFone nhưng bị cáo vẫn ký các văn bản thực hiện dự án này?, bị cáo Trương Minh Tuấn cũng khai rằng: “Bộ trưởng (Nguyễn Bắc Son) đã có bút phê phê duyệt văn bản, rồi chỉ đạo tôi ký. Mặc dù không thuộc lĩnh vực được phân công, nhưng được bộ trưởng giao ký thì theo quy chế làm việc tôi vẫn phải ký”.
Ông Trương Minh Tuấn cũng cho biết, khi nhận được dự thảo văn bản 236, ông đã nói với vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp là đây không phải nhiệm vụ của mình nên không ký. Tuy nhiên, bộ trưởng Son lúc bấy giờ bút phê yêu cầu ký, chấp hành chỉ đạo của Bộ trưởng nên phải ký. Đồng thời thừa nhận, bản thân nhận thức rằng việc ký Quyết định 236 là vi phạm pháp luật nên dẫn đến hậu quả như hiện nay.
Tại phiên xét xử chiều 18/12, khi được luật sư đề nghị xác nhận lại hai thông tin qua lời khai của bị cáo Trương Minh Tuấn về việc ký quyết định số 236 phê duyệt dự án đầu tư Mobifone mua AVG là không đúng trách nhiệm phân công và dù không đồng ý và đã báo cáo nhưng ông Nguyễn Bắc Son vẫn bắt ký, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lại khẳng định “Lời khai của bị cáo Trương Minh Tuấn là không đúng sự thật”.
Từ việc ông Trương Minh Tuấn dù không phụ trách nhưng vẫn ký quyết định 236 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone do có bút phê phê duyệt văn bản, rồi chỉ đạo phải ký nên ký là một tình trạng không phải hiếm xảy ra khi “Sếp bảo quân làm...thì nào dám cãi? Bởi chuyện lãnh đạo một đơn vị “bút phê” chuyển cấp dưới ký là chuyện đã quá bình thường trong hành chính.
Thực tế, không hiếm việc lãnh đạo lạm dụng bút phê chuyển cấp dưới ký hòng trực lợi cho bản thân nhưng lại muốn trốn thoái thác trách nhiệm khi bị “sờ tới” bằng việc đổ trách nhiệm cho người ký. Đa số cấp dưới khi nhìn thấy bút phê hoặc được chỉ đạo trực tiếp từ cấp trên đều không thể không làm dù thừa biết việc mình ký vào văn bản, quyết định có thể có vấn đề, không đúng quy định pháp luật nhưng không làm đúng ý sếp thì lại sợ bị ảnh hưởng đến đường tiến thân của bản thân. Chưa kể đến có sự thông đồng bàn bạc từ trước về lợi ích từ việc ký sau khi có chỉ đạo nên cấp dưới cứ thế ký mà không cần quan tâm đến những chuyện khác.
Do vậy, mặc dù theo các quy định của pháp luật, khi thủ trưởng cơ quan ký bút phê hoặc chỉ đạo thì cấp dưới có thể tuân thủ hoặc có thể không nếu thấy việc mình sắp làm không đúng thẩm quyền, không đúng quy định. Tuy nhiên, những bút phê chỉ đạo này thường như một mệnh lệnh bắt buộc cấp dưới phải làm theo. Dẫn đến một thực trạng bất thành văn đã tồn tại từ rất lâu “Nhiều khi mệnh lệnh cơ quan còn cao hơn cả các quy định của luật” nên nhiều quyết định được ban hành trái với quy định pháp luật”.
Trở lại tình tiết thương vụ AVG, ông Trương Minh Tuấn hoàn toàn có thể không ký quyết định số 236 phê duyệt dự án đầu tư MobiFone mua AVG dù Bộ trưởng Son khi đó có chỉ đạo bởi bản thân ông Tuấn khi đó là Thứ trưởng Bộ TT&TT nhưng không phụ trách lĩnh vực tài chính, kế toán, không phụ trách MobiFone, đồng nghĩa việc này không đúng trách nhiệm được phân công nên hoàn toàn có quyền thoái thác. Bản thân ông Trương Minh Tuấn khi đó cũng nhận thức được dự án có tổng mức đầu tư 8900 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, phần vì “ngại sếp”, phần vì lợi ích cá nhân của bản thân như trong cáo trạng nêu do được "ông Son hứa hẹn đưa lên làm bộ trưởng" nên ông Tuấn đã ký một số văn bản liên quan dự án mua AVG dù không thuộc thẩm quyền phụ trách.
Đáng chú ý, sau khi Mobifone chuyển tiền cho AVG, ông Trương Minh Tuấn đã nhận 200.000 USD từ ông Phạm Nhật Vũ. Đồng thời theo lời khai của ông Tuấn, quá trình thực hiện dự án, ông Vũ đã nhiều lần điện thoại, nhắn tin thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh dự án. Dù nhận thức được số tiền ông Vũ đưa vì bản thân có tham gia dự án và là người ký quyết định phê duyệt dự án, số tiền nhận từ ông Vũ là bất hợp pháp nhưng ông Tuấn vẫn đem đi chi tiêu cá nhân. Điều đó cho thấy, không loại trừ việc ký các quyết định trên, phần vì do sếp chỉ đạo, phần vì lợi ích cá nhân nên ông Tuấn bất chấp các quy định của pháp luật để ký.
Sau khi xảy ra vụ án trên, ông Tuấn chủ động, tích cực, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả nên được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên dù mức án nào đi nữa cũng là bài học đắt giá cho bị cáo này và là bài học sâu sắc cho nhiều cán bộ khác khi nhận chỉ đạo, bút phê từ thủ trưởng cơ quan đơn vị không thể bất chấp ký khi nhận thấy có vấn đề bởi thực tế “mệnh lệnh không thể cao hơn các quy định của pháp luật”.
>>> Mời độc giả xem video Xét xử thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG:
Nguồn VTC 1.