Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 1 tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thu Hằng. |
Bên cạnh đó, trong 17 ý kiến phát biểu tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cũng đánh giá cao chất lượng của phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ 10 vừa qua vì đã phản ánh đúng những bức xúc của người dân.
Giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường 7, quận 3) bày tỏ sự ủng hộ với việc Quốc hội thông qua đề án chính quyền đô thị ở TP.HCM. Dù vậy, ông Châu chia sẻ một số băn khoăn khi đề án này đi vào thực tế.
Thứ nhất, ông Châu nhắc lại đề án chính quyền đô thị của TP.HCM bao gồm việc sáp nhập 3 quận phía đông (quận 2, 9, Thủ Đức) thành TP Thủ Đức. Cử tri cho rằng để thực hiện đề án, bên cạnh việc sáp nhập hệ thống chính quyền, quy hoạch đô thị, thành phố cần giải quyết dứt điểm tồn tại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo đảm lợi ích hợp pháp cho người dân bị giải tỏa.
Thứ hai, cử tri yêu cầu công khai kết quả tổng kết sau 7 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị, bỏ HĐND quận, phường. Ông Châu cũng cho rằng Trung ương nên lấy những kinh nghiệm sau 7 năm thí điểm bỏ HĐND cấp quận, phường tại TP.HCM để áp dụng tại Hà Nội nhằm tránh những lúng túng khi áp dụng mô hình mới.
Thứ ba, ông Châu đề nghị Quốc hội giám sát việc thực hiện chính quyền đô thị nhằm đảm bảo mô hình này đi vào cuộc sống với tinh thần dân là chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân.
Cử tri Nguyễn Hữu Châu nói về chính quyền đô thị. Ảnh: Thu Hằng. |
Cử tri Nguyễn Văn Phú (quận 1) đặt câu hỏi rằng những khiếu kiện, sai sót liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm có được giải quyết trước khi thành lập thành phố Thủ Đức hay không.
Trong khi đó, dù tán thành việc bỏ HĐND cấp phường, cử tri Nguyễn Xuân Cường (quận 3) lại phản đối việc bỏ HĐND cấp quận. Theo ông Cường, HĐND địa phương giống như Quốc hội ở nơi đó, là đơn vị truyền tải ý kiến của người dân đến với chính quyền. Do đó, cử tri bày tỏ nguyện vọng giữ lại HĐND cấp quận.
Giải quyết cơ bản các vấn đề Thủ Thiêm trước tháng 6/2021
Mở đầu bài phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, đề cập đến vấn đề Thủ Thiêm và gửi lời xin lỗi đến cử tri.
"Trước hết là người lãnh đạo có trách nhiệm của thành phố, xin lỗi bà con cô bác, anh chị cử tri vì làm những việc tiếp theo của Thủ Thiêm rất chậm. Nhưng mong bà con cố gắng chờ đợi một thời gian nữa", ông Quang nói. Phó bí thư Thành ủy cho biết Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã có nghị quyết chuyên đề về Thủ Thiêm.
Ông khẳng định chính quyền thành phố đang từng bước xử lý việc đền bù bổ sung cho bà con ở khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm. Đồng thời, trả lời dứt khoát người dân về việc 5 khu phố 4 phường có nằm trong quy hoạch Thủ Thiêm hay không.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy thông tin việc bồi thường cho người dân sẽ được hoàn thành cuối năm nay. Còn những vấn đề còn lại sẽ cơ bản hoàn thành trước tháng 6/2021.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang trả lời chất vấn cử tri. Ảnh: Thu Hằng. |
Ông Quang cho rằng những khúc mắc tại Thủ Thiêm và việc thành lập chính quyền đô thị là 2 vấn đề tách biệt, phải song song thực hiện.
Về mặt lợi ích, ông Quang cho biết mô hình chính quyền đô thị không tổ chức HĐND cấp quận, phường giúp TP.HCM tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng chi thường xuyên trong 5 năm. Bên cạnh đó, các chi phí liên quan đến trụ sở, phương tiện làm việc, hệ thống cơ quan HĐND cấp quận, phường cũng giảm.
Bên cạnh đó, người dân cũng thoải mái hơn khi dịch vụ hành chính công được đơn giản hóa. Nhiều vấn đề chủ tịch UBND có thể trực tiếp giải quyết, không cần đến HĐND.
"Chúng tôi tin tưởng rằng không có HĐND cấp quận, phường, chúng ta vẫn hoạt động tốt. Bà con, doanh nghiệp thoải mái hơn và thành phố sẽ có bước tiến trong thời gian tới", Phó bí thư Thành ủy khẳng định.
Nên để cán bộ nghỉ hưu vững chuyên môn tham gia Quốc hội
Cử tri Lê Minh Số (quận 1) cho rằng Quốc hội cần bổ sung thêm nội dung giám sát kết quả giải quyết vấn đề của từng bộ, ngành sau mỗi kỳ chất vấn. Từ đó, người dân mới thấy được sự thay đổi, cải thiện của các bộ ngành trong hành động thực tế thay vì chỉ qua lời nói.
"Chất vấn một kỳ họp rồi lại đến kỳ họp tới, nhưng người được chất vấn đã giải quyết, xử lý vấn đề thế nào phải báo cáo cho cử tri biết", ông Số yêu cầu.
Bên cạnh đó, ông kiến nghị trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV, các đơn vị cần giới thiệu các đại biểu chất lượng ra ứng cử đại biểu Quốc hội, tránh lặp lại một số trường hợp không đóng góp tích cực trong nhiệm kỳ vừa qua. Cử tri đề xuất nên có thêm các cán bộ nghỉ hưu, vững chuyên môn tham gia Quốc hội.