Ông Phạm Phú Quốc xin thôi TGĐ Tân Thuận: Ai thay thế?
(Kiến Thức) - Đại biểu Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC. Dư luận đặt câu hỏi, ai sẽ thay thế ông Quốc đảm nhiệm chức vụ này?
Liên quan vụ việc đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch, tại buổi họp báo do Thành ủy, UBND TPHCM tổ chức vừa qua, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP HCM cho biết, ngày 25/8, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV, đồng thời xin thôi chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC.
Chánh Văn phòng UBND TP HCM Hà Phước Thắng cũng cho biết, với đơn xin thôi nhiệm vụ Tổng Giám đốc IPC, ngay trong tuần, UBND TP HCM chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu quyết định đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm của ông Phạm Phú Quốc trong thời gian công tác trước đây. Việc này thực hiện trong tháng 9/2020.
|
Ông Phạm Phú Quốc. |
Dư luận đặt câu hỏi, ông Phạm Phú Quốc đã xin thôi chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận – IPC, nếu được chấp thuận, ai sẽ là người thay thế ông Quốc? Liệu TP HCM sẽ cử người mới về thay thế hay sẽ để Phó TGĐ công ty phụ trách?
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC hiện do ông Lê Hoàng Minh làm Chủ tịch HĐTV, 4 thành viên gồm ông Phạm Phú Quốc, ông Vũ Xuân Đức, ông Nguyễn Trường Bảo Khánh và ông Vũ Hồng Tài. Ban điều hành gồm ông Phạm Phú Quốc làm Tổng Giám đốc Công ty còn có các Phó Tổng giám đốc gồm ông Phùng Đức Trí, ông Trần Đăng Linh và bà Hồ Thị Hồng Hạnh.
Ông Phạm Phú Quốc được bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận vào tháng 12/2019. Trước đó, ông Quốc giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.
Đáng chú ý, trước khi làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP, ông Quốc từng làm Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HIFC).
Ngày 28/9/2018, thời điểm ông Phạm Phú Quốc làm Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc HIFC, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM công bố quyết định thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ của công ty này. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xác định ông Phạm Phú Quốc cùng 3 ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy công ty đã vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
UBKT Thành ủy TPHCM xác định Ban thường vụ Đảng ủy Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM nhiệm kỳ 2015 -2020 và các cá nhân liên quan có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện lãnh đạo nhiệm vụ chính trị: nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác quản lý đảng viên đi nước ngoài; đoàn kết nội bộ bị giảm sút…
Tuy nhiên, tới tháng 12/2019, ông Quốc nhận quyết định về làm Tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) với thời hạn 5 năm. Tiền nhiệm của ông Quốc là Tề Trí Dũng, người đã bị khởi tố và bắt tạm giam vào giữa tháng 5/2019 vì tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Nói về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Nguyễn Duy Tân cho biết, theo quy định, những trường hợp cán bộ bị kỷ luật khiển trách như ông Phạm Phú Quốc sẽ không được bố trí chức vụ cao hơn ở đơn vị đó. Luân chuyển ông Phạm Phú Quốc từ Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM sang IPC xuất phát từ nhu cầu cán bộ của TPHCM. Việc bổ nhiệm ông Quốc đúng quy trình, đảm bảo 5 bước, dân chủ và công khai.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Nguyễn Duy Tân thừa nhận nếu đối chiếu các quy định của pháp luật thì việc bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ chức Tổng Giám đốc IPC vào cuối năm 2019 là không đúng quy định, vì tại thời điểm trên ông Quốc đã có quốc tịch Công hòa Síp.
Trước đó, Hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) công bố tài liệu cho thấy nhiều chính trị gia đã mua hộ chiếu Cộng hòa Síp, một quốc gia châu Âu. ĐBQH Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách này.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, với trách nhiệm ĐBQH, đảng viên, cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt giữ trọng trách, chiếu theo những quy định của Đảng, của Luật Công chức viên chức, cả lương tâm trách niệm của một đại biểu thì cần có sự báo cáo đầy đủ với tổ chức quản lý mình. Đó còn là nghĩa vụ, trách nhiệm với lá phiếu cử tri đã bầu cho mình. Theo đó, đại biểu Quốc đã không thực hiện đầy đủ các quy định và thiếu trách nhiệm với tổ chức quản lý mình, không khai báo trung thực về hồ sơ cá nhân.
Tân Thuận IPC thế nào dưới thời Tổng giám đốc Phạm Phú Quốc?
Sau 6 tháng ông Phạm Phú Quốc giữ chức Tổng Giám đốc Tân Thuận- IPC, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 19,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn thu trọng yếu của doanh nghiệp này trong kỳ đến từ các khoản thu nhập khác, đạt hơn 644 tỷ đồng.
Cụ thể, nguồn thu nhập khác của IPC chủ yếu đến từ lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH PT Phú Mỹ Hưng (456,7 tỷ đồng), Công ty TNHH Tân Thuận (114,1 tỷ đồng) và Công ty TNHH Sepzone Linh Trung (27,6 tỷ đồng).
Doanh nghiệp ghi nhận 20,95 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 2, tăng 43,1% so quý trước.
Sau khi trừ đi các chi phí, IPC báo lãi gần 663 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Tính đến ngày 30/6/2020, quy mô tổng tài sản của Tân Thuận- IPC đạt 5.682 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm. Lượng tiền và tương đương tiền của IPC tăng gấp 3,5 lần so với đầu năm, đạt mức 306,2 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng tăng từ 800 tỷ đồng lên 921,5 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xác minh thông tin Đại biểu Quốc hội mua hộ chiếu Đảo Síp (Cyprus)