Tháng 12/2019, ông Phạm Phú Quốc được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
IPC tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 2004. Ngành nghề kinh doanh là bất động sản, cho thuê văn phòng làm việc, kho bãi trong khu công nghiệp, kế thừa chức năng của chương trình công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận, đối tác Việt Nam trong Công TNHH Tân Thuận và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng...
Ông Phạm Phú Quốc đảm nhiệm vị trí CEO của IPC từ tháng 12/2019. Nhiều người thắc mắc, doanh nghiệp này hiện ra sao sau nửa năm được ông Phạm Phú Quốc "cầm lái"?
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc làm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận vào tháng 12/2019. |
Trong báo cáo tài chính quý II/2020 của IPC vừa được công bố mới đây cho thấy, dù nền kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, thế nhưng tổng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này vẫn tăng chóng mặt, gấp 3,2 lần cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý đạt 9,8 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu tới từ nguồn cho thuê văn phòng.
Giá vốn hàng bán giảm 20%, giảm sâu hơn so với mức giảm của doanh thu, đạt 6,1 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính tăng gần 4 lần, đạt 28 tỷ đồng.
Đáng nói, trong thời gian này, IPC có nguồn thu nhập khác tăng đột biến lên mức hơn 616 tỷ đồng. Nguồn thu nhập này khiến tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 6 tháng đầu năm của IPC tăng đáng kể, gấp 3,2 lần cùng kỳ lên 679,73 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt gần 663 tỷ đồng, tăng 3,2%.
Điều này cho thấy, nguồn lợi nhuận thu về của IPC không dựa vào doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ mà đến từ… "thu nhập khác".
"Thu nhập khác" được IPC công bố là khoản lợi nhuận được chia tại Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (hơn 456 tỷ đồng), Công ty TNHH Tân Thuận (114 tỷ đồng) và tại một số doanh nghiệp khác.
Tính đến 30/6/2020, quy mô tài sản của IPC là hơn 5.682 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền của IPC tăng gấp 3,5 lần so với đầu năm, đạt 306 tỷ đồng.
Mới đây, hãng tin Al Jazeera (Qatar) đã đăng một loạt bài viết dẫn từ tài liệu mật thu thập được, gọi là Hồ sơ Cyprus cho biết, chương trình hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp) cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này.
Những người này sẽ trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua “hộ chiếu vàng” này từ cuối 2017 đến cuối 2019. Trong đó có Đại biểu Quốc hội TP.HCM Phạm Phú Quốc. Ông Quốc được cho đã có hộ chiếu Cyprus vào tháng 12/2018 cùng vợ.
Ông Phạm Phú Quốc (52 tuổi, quê Quảng Trị), trình độ Quản lý Kinh tế, Tài chính. Ông hiện là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và là cán bộ thuộc diện UBND TP.HCM quản lý.
Trước khi đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc IPC, ông từng có thời gian công tác tại các doanh nghiệp lớn như: Tổng Công ty Bến Thành TNHH MTV, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC)...