Ngày 4/8, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã có giấy mời gửi ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) lên làm việc vì đơn yêu cầu bồi thường oan sai của ông.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (bên phải). |
Theo giấy này thì vào 9h ngày 15/8, Tòa phúc thẩm (TAND Tối cao) mời ông Nguyễn Thanh Chấn đến làm việc về việc ông đề nghị bồi thường những thiệt hại do Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội ra bản án hình sự trái pháp luật đối với ông. Theo đơn của gia đình ông Chấn, con số đề nghị bồi thường cả về vật chất và tinh thần sau 10 năm tù oan sai là 10 tỷ đồng.
Diễn biến vụ án như sau: Ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp… dẫn đến tử vong.
Ngày 17/8/2003, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra. Từ một số thông tin ban đầu, ngày 30/8/2003, cơ quan điều tra đã mời ông Nguyễn Thanh Chấn, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đến trụ sở làm việc để lấy lời khai.
Căn cứ tài liệu điều tra ban đầu ngày 28/9/2003, cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ với ông Nguyễn Thanh Chấn; tiếp đó, ngày 29/9/2003, đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người.
Ngày 10/2/2004, Viện KSND tỉnh Bắc Giang ra bản cáo trạng – quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Đến ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo.
Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm. Trong quá trình điều tra bị cáo có khai nhận hành vi giết người, nhưng tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo không nhận tội. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật; phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã và đang chấp hành án hình phạt chung thân.
Giấy mời làm việc gửi ông Nguyễn Thanh Chấn. |
Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan, ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao xem xét.
Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn cũng có đơn kêu oan cho chồng. Nội dung đơn cho rằng, thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15/8/2003 là Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chứ không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn.
Từ đó cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, TAND Tối cao khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh kết hợp với kiên trì vận động đối tượng ra tự thú.
Ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản. Ngày 6/11/2013, tại phiên tòa tái thẩm, Hội đồng Thẩm phán, TAND Tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm số 1241/PTHS ngày 27/7/2004 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 45/HSST ngày 26/3/2004 của TAND tỉnh Bắc Giang đối với Nguyễn Thanh Chấn; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện KSND Tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.
Ngày 9/5/2014, cơ quan điều tra. Viện KSND Tối cao đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với thượng tá Trần Nhật Luật - Phó trưởng Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh - Trưởng phòng 10, Viện KSND tỉnh Bắc Giang và về hành vi "Làm sai lệch hồ sơ vụ án” (theo Điều 300 Bộ luật Hình sự). Hai ông này bị khởi tố do liên quan đến việc điều tra, kiểm sát điều tra trong vụ “Án oan ông Nguyễn Thanh Chấn” giết người khiến cho ông Chấn phải chấp hành bản án 10 năm tù giam.