BOT không ảnh hưởng đến người đi xe máy?
Tại tọa đàm "Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT", do Báo CAND tổ chức ngày 7/9, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc cho rằng cần phải phân biệt rõ phản ứng tại các trạm BOT.
Ông Kiên đề nghị báo chí đừng nói từ "người dân". Ông cho rằng phải nói chính xác là doanh nghiệp vận tải phản đối trạm BOT do mâu thuẫn về quyền lợi, chứ không gom chung với người dân ở vùng đặt trạm, bởi các trạm thu phí BOT đã miễn phí cho xe máy.
Ông Kiên giải thích, lượng xe máy trên cả nước là 7 triệu xe, người lao động - những nghèo nhất là dùng xe máy, tại các trạm BOT đã được miễn phí. Như vậy, phí BOT không ảnh hưởng gì đến những người đó.
Thu phí tại trạm BOT. |
Việc tài xế trả tiền lẻ theo ông Kiên cũng nên giữ chừng mực không nên thành hội thành đoàn chống đôi, bởi khi đó thời gian thu phí kéo dài sẻ ảnh hưởng đến các phương tiện sau.
Về phát biểu của Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông gần đây cho rằng BOT hiện nay có quá nhiều "tù mù", dễ nảy sinh tham nhũng, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng đây là nhận xét mang tính cá nhân của Thứ trưởng Đặng Huy Đông, không phải chính thức của Bộ KH&ĐT – bộ chịu trách nhiệm chính trong việc phê duyệt nhà đầu tư BOT và cấp giấy phép đầu tư.
Ông Kiên cũng đính chính, phát biểu "Rủi ro tham nhũng tại các dự án BOT là lớn nhất", cần nói rằng Thứ trưởng Đông đã trích dẫn nhận xét của Ngân hàng Thế giới và IMF về BOT trên toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng của Việt Nam.
Vị Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội đưa ra dẫn chứng kết luận của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong 50 dự án BOT đã đi vào khai thác, có 8 dự án BOT có vấn đề mà người dân ở khu vực đặt trạm thu phí có phản ứng khác nhau. Ông cho biết, cách xử lý của tại mỗi trạm lại theo hướng khác nhau và chúng ta đang có hướng giải pháp để xử lý.
Đề xuất thu phí kín, chia nhỏ dự án
Tại hội thảo, ông Đoàn Huy Vinh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành 2, Kiểm toán Nhà nước chia sẻ những kẽ hở theo ông là cốt yếu nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án BOT.
Theo ông Huy, không công bằng ở điểm đa phần các dự án bị thu phí hở. Ví dụ, một người dân đi đường ngắn phải trả phí bằng cả người đi hết đoạn đường BOT. Bên cạnh đó, vị trí đặt các trạm BOT trước năm 2009 không đặt đúng phạm vi dự án.
Để giải quyết tình trạng bất công trong thu phí, mới đây, Sở GTVT Quảng Trị có văn bản gửi UBND tỉnh này đề xuất trả phí BOT theo số km sử dụng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cũng đồng ý việc thu phí kín, doanh nghiệp đi km nào thì trả phí cho km đó, rất minh bạch và công bằng. Thu phí hở thực tế tương đối hạn chế đối với người chỉ tham gia một phần đường. Theo đó, đối với đề xuất của tỉnh Quảng Trị, Bộ GTVT đang xem xét. Tuy nhiên, Vị Thứ trưởng cũng tâm tư, nếu làm theo đề xuất này thì sẽ không công bằng với 68 trạm còn lại.
Trước quan ngại về nợ xấu khi ngân hàng là “con tin” của các dự án BOT khi gần 90% vốn BOT là vốn vay ngân hàng – con số tuyệt đối lên đến hàng trăm nghìn tỷ, ông Đoàn Huy Vinh cho rằng các ngân hàng trước khi duyệt vay đã thẩm định kỹ. Việc lo lắng là điều không cần thiết.
Dưới góc độ của nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Bắc – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Tân Việt Bắc cho rằng BOT hay hình thức gì thì đất nước ta vẫn đang cần vốn. BOT là hình thức huy động vốn rất tốt, tuy nhiên, cần đưa ra đấu thầu và thu phí kín. Rất cần BOT nhưng phải quản lý tốt.
Trước lo ngại về vốn ngân hàng, ông Bắc đưa ra đề xuất chia nhỏ thành các gói thầu và cho các nhà đầu tư khác nhau cùng tham gia. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội băn khoăn về việc phân chia nhỏ các gói thầu của dự án BOT. "Chúng ta có thể thấy nếu một dự án có nhiều nhà đầu tư thì cũng sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh như cách thức phân chia gói thầu; cách thức giám sát, quản lý chất lượng; hạch toán như thế nào", ông Kiên cho biết.