Thời điểm này, sau hơn 20 ngày kể từ khi xảy ra xả dầu thải đầu độc nước sông Đà khiến hàng vạn hộ dân phía Tây Nam TP Hà Nội phải khốn khổ vì nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm hóa chất từ dầu thải, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình vẫn đang điều tra làm rõ và chưa công bố thêm thông tin về quá trình điều tra. Ba vấn đề liên quan vụ việc trên đến nay vẫn còn nhiều dấu hỏi chưa được giải đáp.
Ba vấn đề chưa được làm rõ
Vấn đề thứ nhất cần được làm sáng tỏ chính là trách nhiệm của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Bởi trong vụ việc trên, dù nguồn nước đầu vào của nhà máy nước sạch sông Đà cho các đối tượng khác xả thải. Tuy nhiên, Viwasupco biết rõ nguồn nước đã bị nhiễm dầu, nhưng không hề có động thái báo cáo cơ quan chức năng và tìm hướng giải quyết có hiệu quả mà vẫn cung cấp nước cho người dân như bình thường.
Việc biết mà vẫn đưa nguồn nước bị ô nhiễm dầu thải, một chất nguy hại vào sản xuất và cung cấp cho người dân làm nước sinh hoạt là việc làm sai trái của Viwasupco và công ty này phải chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn nước đầu vào.
Hơn nữa, khi người dân phản ánh, Viwasupco vẫn cho rằng nước vẫn đảm bảo tiêu chuẩn. Chỉ đến khi cơ quan chức năng TP Hà Nội đưa ra kết quả xét nghiệm nước có hàm lượng chất Styren vượt chuẩn theo quy định thì công ty này mới có các biện pháp khắc phục, ngừng cấp nước, sục rửa đường ống, trong khi đó công ty cũng không đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào ở thời điểm người dân phát hiện nước sinh hoạt có mùi khét, nhiễm dầu.
Đó không chỉ là hành vi thiếu trách nhiệm, vô cảm mà còn là hành vi có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm, thậm chí có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.
Dầu thải khiến nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sông Đà bị ô nhiễm. |
Thế nhưng đến nay, sự việc vẫn dừng lại ở việc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, công ty đã đánh giá thiếu sót và nhìn nhận trách nhiệm của mình và gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố, lời xin lỗi, cầu mong được lượng thứ và xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước).
Dù những lời xin lỗi của Viwasupco khiến nhiều người chưa thực sự hài lòng bởi chưa có cá nhân, lãnh đạo nào lên tiếng trực tiếp xin lỗi 250 nghìn khách hàng ngoài tờ thông cáo báo chí sơ sài, chỉ đóng dấu treo và không có bất cứ thông tin nào về lãnh đạo hay người đại diện công ty đứng ra chịu trách nhiệm.
Vấn đề thứ 2, chính là nghi vấn về sự liên quan giữa Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà với các đối tượng xả thải khi doanh nghiệp này cung cấp lượng dầu thải cho các đối tượng trên trái quy định của pháp luật.
Theo đó, lời khai của đối tượng Lý Đình Vũ và biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an ngày 19/10 cho thấy, giữa Nguyễn Thị Huyền Trang (nhân vật được Vũ nhắc đến trong lời khai ban đầu, đồng lời là con gái Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà) và Lý Đình Vũ từng có thỏa thuận để xử lý dầu thải và bà Trang sẽ trả cho Vũ số tiền đề thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1000 đồng/lít.
Từ thỏa thuận trên, Vũ đã cho người đến Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà lấy lượng dầu thải gần 9.000 kg mang đi đổ ở suối Trầm gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.
Tuy nhiên, hiện thông tin liên quan đến vấn đề trên mới chỉ dừng lại ở thông tin Công an làm việc với bà Trang qua lời của ông Nguyễn Đức Truyền.
Mặc dù chưa xác định được việc Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà có liên quan đến vụ xả thải gây ô nhiễm nước sông Đà ra sao. Tuy nhiên, theo biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an ngày 19/10 cho thấy, công ty này có nhiều vi phạm trong quản lý, chuyển giao chất thải nguy hại tại công ty này như quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định (ví dụ cụ thể, CTH đã chuyển giao 8.830 kg dầu thải cho các đối tượng mang đi xử lý). Tuy nhiên, Công ty không ký hợp đồng, không thu thập hồ sơ tư cách pháp nhân về chức năng xử lý chất thải nguy hại của các đối tượng nêu trên.
Như vậy, trường hợp Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà biết rõ mục đích sử dụng chất thải đó để gây ô nhiễm nguồn nước, nhưng vẫn cố ý bán thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "gây ô nhiễm môi trường", với vai trò đồng phạm giúp sức. Trường hợp công ty không biết mục đích sử dụng chất thải đó là để gây ô nhiễm môi trường thì không có cơ sở để xem xét vai trò đồng phạm nhưng vẫn có thể xem xét trách nhiệm của Công ty này đối với việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.
Vấn đề thứ 3 mà dư luận quan tâm chính là việc có ai đứng sau ba đối tượng xả dầu thải ra nguồn nước sông Đà hay không hiện vẫn đang được điều tra. Trước đó, ngày 23/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối tượng Nguyễn Chương Đại (SN 1994) và Lý Đình Vũ (SN 1982), cùng trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Hoàng Văn Thám (SN 1986), trú xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn về hành vi “Gây ô nhiễm môi trường”, theo quy định tại Khoản 2 Điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Dư luận băn khoăn về động cơ của ba đối tượng trên khi thực hiện hành vi xả thải, liệu có “đầu sỏ” đứng sau vụ việc này hay không? hiện vẫn chưa có câu trả lời vì vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra và cơ quan công an mới dừng lại ở việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và chưa cung cấp thông tin gì thêm. Do vậy, dư luận mong muốn cơ quan công an tỉnh Hòa Bình sớm làm rõ và cung cấp thông tin liên quan quá trình điều tra vụ việc liên quan hành vi của ba đối tượng trên, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Liệu có... "đầu sỏ"?
Vụ việc trên là đặc biệt nghiệm trọng bởi hành vi đổ chất thải gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng trăm nghìn người dân TP Hà Nội, trong khi đó đơn vị xử lý nước sạch biết nước nhiễm dầu mà vẫn xử lý cung cấp cho người dân khiến dư luận vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, sau một thời gian “nóng” trên khắp các mặt báo, các diễn đàn mạng xã hội, đến nay có dấu hiệu chìm xuồng khiến nhiều người dân thắc mắc.
“Nguồn nước sông Đà bị xả dầu thải gây ô nhiễm là hành vi vi phạm pháp luật. Đến nay dù 3 đối tượng liên quan trực tiếp đến hành vi đổ thải nguy hại trên đã bị khởi tố, bắt giam nhưng vụ việc còn nhiều vấn đề phức tạp cần làm rõ như trách nhiệm của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà, có hay không sự liên quan của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà và có kẻ chủ mưu đứng sau hay không?, ông Trần Văn Thành, một người dân quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đặt câu hỏi.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hà, một người dân quận Hà Đông khách hàng sử dụng nước sạch sông Đà cho rằng, vụ việc bỗng im ắng lạ thường khiến người dân nghi ngờ có dấu hiệu chìm xuồng.
“Một sự việc chấn động dư luận về hành vi mất nhân tính của các đối tượng trực tiếp xả thải cũng như động cơ của các đối tượng chưa được làm rõ. Ngay từ việc phải trải qua hành trình mấy tỉnh với hàng trăm km để lấy chất thải từ Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ sau đó mang về Hưng Yên rồi lại từ tỉnh này mang tận lên đầu nguồn nước sông Đà để xả thải thì không đơn giản là việc đổ thải để hưởng số tiền xử lý chất thải nguy hại.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà phát hiện việc đổ thải nhưng lại không báo cáo, không ngăn chặn số dầu thải này mà cứ để trôi vào nhà máy, rồi xử lý cấp nước nhiễm dầu thải cho dân cũng cần phải được làm rõ trách nhiệm chứ không chỉ dừng lại ở việc công ty này xin lỗi. Trong khi đó, ngay việc Công ty gốm sứ Thanh Hà cung cấp chất thải nguy hại ra bên ngoài cho người không có chức năng xử lý cũng là một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên đến nay thông tin vẫn chưa được công bố khiến người dân vẫn còn nhiều băn khoăn”, bà Hà cho biết.