Trả lời về vụ nộp tiền phạt mới được làm giấy khai sinh cho con thứ 3 ở phường Vinh Tân (TP.Vinh, Nghệ An), ngày 11.5, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Cục trưởng phụ trách Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa Gia đình (KHHGĐ) cho biết, luật pháp quy định “cấm cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình”.
Theo ông Tân, nhiều văn bản đều quy định việc kế hoạch hóa gia đình, thực hiện mỗi gia đình sinh đủ 2 con là hành vi tự nguyện và nghiêm cấm cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Ông Tân cho biết, Nghệ An là một tỉnh có mức sinh rất cao, có năm lên đến 2,8 con/một phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Năm 2016, mức sinh cũng đã giảm xuống còn gần 2,6 con, tuy nhiên, so với mức sinh của cả nước là 2,1 con thì vẫn cao. Do đó, để giảm mức sinh, một số địa phương ở Nghệ An đã phát động việc ký cam kết thực hiện chính sách dân số KHHGĐ giữa người dân và chính quyền địa phương. Bản cam kết có nội dung nếu vi phạm chính sách dân số KHHGĐ thì sẽ tự nguyện đóng góp 1 khoản kinh phí ít nhất 2 triệu đồng cho Ban Dân số - KHHGĐ xã, phường, thị trấn. Việc sinh con thứ 3 là vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ.
“Bản cam kết giống như một hợp đồng dân sự, nếu người dân đã ký cam kết cần tuân thủ. Tuy nhiên, nếu trước đó người dân chưa ký cam kết mà lại bắt ép họ nộp tiền và ký cam kết cùng lúc khi họ đến làm khai sinh cho con thứ 3 thì không nên. Chúng tôi sẽ có ý kiến với Chi cục Dân số Nghệ An để kiểm tra, xử lý vụ việc mềm dẻo, hợp tình hợp lý hơn” - ông Tân cho biết.
Tờ mẫu bản cam kết được cán bộ phường Vinh Tân cung cấp (Ảnh: VNE) |
Trước đó, theo tin báo chí đưa, nhiều hộ dân ở thành phố Vinh (Nghệ An) sinh con thứ 3, khi đi làm giấy khai sinh thì bị buộc đóng khoản phí "tự nguyện" 2 triệu đồng. Tại đây, người dân ”một tay” ký vào bản thực hiện cam kết thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, “một tay” nộp tiền chứ không phải là cam kết thỏa thuận từ trước khi “có bầu”. Điều này gây bức xúc cho người dân vì họ không hề “tự nguyện”.
Đây cũng không phải lần đầu tiên có việc người dân bị ép nộp tiền mới được khai sinh cho con thứ 3. Tháng 10.2016, UBND huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã yêu cầu UBND xã Bình Dương trả lại tiền đã thu của những hộ dân không ký cam kết quy định chính sách dân số. Trước đó, nhiều người dân đã kiến nghị về việc người sinh con thứ 3 phải nộp 2 triệu đồng, còn người sinh con thứ 4 phải nộp 4 triệu đồng mới được làm giấy khai sinh cho con.
Chính sách dân số -KHHGĐ là hoàn toàn tự nguyện. Ảnh I.T |
Ông Tân chia sẻ, để người dân thực hiện đúng chính sách dân số - KHHGĐ thì những người làm công tác dân số cũng chỉ tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích của việc sinh đủ hai con, để nuôi dạy con tốt và đảm bảo sức khỏe cho bố mẹ, đảm bảo phát triển kinh tế gia đình. Công việc này đòi hỏi phải vận động kiên nhẫn, không thể ngày một ngày hai có thể khiến người dân thay đổi quan điểm của mình.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân đã thấy được lợi ích của việc sinh đủ 2 con nên mức sinh đã giảm mạnh. Hiện nay Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với tỷ lệ 2,1 trẻ/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Chỉ còn số ít địa phương có mức sinh cao nhưng cũng đang giảm dần.