Mẫu Nokia 3210 được nhà sản xuất làm mới và bán ra tại thị trường Trung Quốc gần đây. Tuy nhiên đến 11/5, các kênh phân phối trực tuyến đều hiển thị tình trạng hết hàng cho mẫu điện thoại phổ thông này. Thông qua trang Weibo chính thức, công ty di động cho biết sản phẩm chỉ khả dụng để đặt trước, sẵn sàng giao sau 20 ngày nữa.
Bên cạnh việc mua sưu tầm, mẫu điện thoại giá 1,3 triệu đồng (380 nhân dân tệ) được đón nhận bởi người dùng trẻ tuổi. Thông qua các nền tảng mạng xã hội, chiếc máy được lan truyền và tìm mua để sử dụng cho mục đích chụp ảnh.
Cụ thể từ 2023, các dòng camera CCD kiểu cũ được săn đón tại Trung Quốc. So với các sản phẩm ghi hình có gương lật hoặc Mirrorless hiện đại, thiết bị CCD đem lại chất ảnh mờ ảo, không khí hoài cổ. Kiểu máy nói trên trở thành món hàng được săn đón cuồng nhiệt ở đất nước tỷ dân.
Nokia thông báo chiếc 3210 hết hàng sau hai ngày mở bán. Ảnh: @nokiamobile. |
Theo QQ, có thời điểm giá những chiếc camera CCD cũ tăng vọt, lên cả nghìn USD. Khi loại camera này quá đắt, nhiều người chuyển sang những phiên bản thay thế, để có hiệu ứng ảnh tương tự. Sản phẩm được lựa chọn là những mẫu di động đời cũ. Các model bán chạy và có số lượng lớn gồm Nokia N8, iPhone 5s, giá xung quanh mốc 100 tệ (350.000 đồng).
Với kiểu thiết kế cũ, cùng camera độ phân giải 2 MP kèm flash, chiếc Nokia 3210 nhận được sự chú ý. Nhiều người săn đón thiết bị này khi nó có thể nghe gọi và chụp ảnh “mờ nhòe” kiểu hoài cổ. Tuy nhiên, một số khách hàng phàn nàn rằng mẫu điện thoại của Nokia chụp ảnh quá kém với độ phân giải thấp, không thể thay thế camera CCD.
Bản làm lại 3210 của Nokia kế thừa ngoại hình từ mẫu năm 1999 và bổ sung thêm nhiều trang bị. Máy có màn hình TFT LCD 2,4 inch và độ phân giải QVGA. Nó hoạt động trên hệ thống S30+ và được trang bị chip Unisoc T107, kèm với RAM 64 MB và bộ nhớ trong 128 MB.
Nguyên mẫu Nokia 3210 ra mắt từ năm 1999. Đây là một trong những thiết bị bán chạy nhất ở thời kỳ này với hơn 160 triệu chiếc.
Nokia từng nắm vị trí ông vua toàn ngành di động trong thời gian dài, trước khi mắc phải loạt sai lầm khiến thương hiệu bị bỏ lại. Năm 2014, công ty Phần Lan bán mảng kinh doanh thiết bị và dịch vụ cho Microsoft. Đến 2016, thương hiệu Nokia được cấp phép cho HMD Global sử dụng.
Đầu năm nay, hãng smartphone có một số cập nhật về thông tin giới thiệu trên các trang mạng xã hội. HMD Global công bố chiến lược kinh doanh mới hồi tháng 9/2023, theo hướng tiếp cận đa thương hiệu, tập trung vào dòng smartphone của riêng mình thay vì chỉ tồn tại dưới danh nghĩa Nokia.