Theo thông tin trên báo Đất Việt, ông Trần Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đang chủ trì xây dựng quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng, trong đó có khảo sát nội dung về nói tục nơi công cộng.
Được biết, đề án này do Tiến sỹ Mai Anh chủ trì. Theo đó, Dự thảo Bộ khung quy tắc ứng xử đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 nhóm gồm: cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng. Với mỗi nhóm sẽ có những quy tắc riêng.
Người mẫu Trang Trần dính scandal chửi tục. |
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa cho biết, Bộ quy tắc ứng xử không phải văn bản quy phạm, nên nếu nói bắt buộc thực hiện thì không đúng. Tuy nhiên, các giai đoạn tiếp theo của đề án sẽ đưa ra những chế tài với các hành vi ứng xử không đúng quy tắc, chẳng hạn như nói tục...
Liên quan đến vấn đề này, báo Tuổi Trẻ cho biết, đây không phải lần đầu tiên Hà Nội có chỉ đạo chấn chỉnh văn hóa ứng xử trong nhà trường và ngoài xã hội.
Được biết, từ cuối năm 2014, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” dự kiến ban hành trong năm 2015.
Thẳng thắn đưa ý kiến về vấn đề này, Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ với báo Tuổi trẻ: “Thật ra, tôi cho rằng văn bản của UBND TP Hà Nội rất khó đi vào đời sống, mặc dù mong muốn từ văn bản đó rất tốt. Vì nếu muốn thực hiện được văn bản không mang tính bắt buộc thì phải có điều kiện kèm theo và người thực hiện các quy định ấy như thế nào.
Đối với người nói tục, nói bậy thì cơ chế phạt thế nào, hay phê bình như thế nào, hay sẽ thông báo cho gia đình, nhà trường thế nào?...
Hơn nữa, việc xác định mức độ như thế nào được coi là nói tục cũng rất khó. Tình trạng văng tục, chửi bậy có thể phổ biến trong một bộ phận nào đó, còn nếu nói rộng ra cả TP thì tôi không tin lắm vào điều đó. Chí ít trong gia đình, hàng xóm, khu phố nơi tôi sinh sống, tôi không nhận thấy điều đó...”.
Có một cách nhìn khá mới mẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN) cho rằng, việc trẻ con nói bậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do bắt chước từ người lớn trong cộng đồng, trong cả các gia đình.
TS. Thắng cũng cho biết thêm: “Nói tục, chửi bậy là biểu hiện từ sự đảo lộn của hệ thống giá trị dẫn đến tình trạng hỗn loạn về giao tiếp trong môi trường công cộng.
Nhiều người trẻ đang nghĩ rằng nói bậy đang có xu hướng trở thành “mốt”. Vì thế, biện pháp bằng văn bản hành chính sẽ có tác dụng trong cơ quan hành chính, nhưng trong cơ quan hành chính thì ít khi nói tục, chửi bậy.
Còn ở những nơi công cộng thì không thể giáo dục bằng văn bản được. Ở các nước, để khắc phục tình trạng nói tục, chửi bậy, họ thường kích thích lòng tự trọng của mỗi cá nhân”.