Nhắc đến cộng đồng người Việt tại Mỹ, bất cứ ai cũng sẽ nghĩ ngay tới khu Little Saigon ở thành phố Westminster và Garden Grove tại Quận Cam (Orange County), thuộc miền nam bang California.
Nhưng lái xe dọc về bắc California chừng 6 tiếng, thành phố San Jose, khu vực nằm giữa hai đại lộ Story và Tully là nơi cộng đồng người Mỹ gốc Việt ngày càng đông và ảnh hưởng chính trị - xã hội dần mở rộng. Đây là đô thị có lượng người Việt sống đông nhất tại Mỹ, khoảng 120.000 người (chiếm hơn 10% dân số).
'Chồng tách vợ ly, chồng phơ vợ dũa'
Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, ngành công nghiệp điện tử và công nghệ bùng nổ ở Thung lũng Silicon, tạo ra vô số việc làm với mức lương hấp dẫn so với các vùng khác tại Mỹ. Khi đó, công nhân lắp ráp hàng điện tử ở San Jose có thể kiếm 7 USD/giờ, trong khi quản lý nhà hàng ở bang khác cũng chỉ đem lại 6 USD/giờ.
Vì thế, người Việt ào ạt đến Thung lũng Silicon. Chưa thể làm trong những công ty công nghệ cao, nhưng họ đủ sức đảm nhận việc lắp ráp thiết bị điện tử đơn giản. Qua quá trình làm việc và học tập, nhiều người tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, trở thành kỹ thuật viên trong các nhà máy này.
Bởi vậy, trong cộng đồng người Việt ở San Jose có câu “Chồng tách, vợ ly”, nghĩa là chồng là kỹ thuật viên (technician), vợ là công nhân dây chuyền lắp ráp (assembly line).
Đến thập niên 90, khi có vốn, người Việt ở Thung lũng Silicon bung ra kinh doanh. Và “Chồng tách, vợ ly” được thay bằng “Chồng phơ, vợ dũa”, nghĩa là chồng mở tiệm nội thất (furniture), vợ theo nghề làm móng (dũa móng tay). Các cửa hàng, quán ăn của người Việt mọc lên ngày càng nhiều tại San Jose. Cư dân cũng ngày càng đông.
Tượng Trần Hưng Đạo bên ngoài cổng trung tâm mua sắm Grand Century. Ảnh: Hiếu Trung |
Chi phí sinh hoạt ở San Jose khá cao, đặc biệt so với Quận Cam. Một tô phở ở San Jose có thể có giá hơn 10 USD, trong khi tại Quận Cam chỉ 5-6 USD. Giá nhà cũng rất đắt đỏ. Cuộc sống không dễ dàng, nhưng người Việt đã đến San Jose thì ít chịu rời đi.
Cuộc sống quanh trung tâm mua sắm
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở San Jose phát triển quanh các trung tâm mua sắm lớn. Tòa nhà Lion Plaza trên đại lộ Tully mọc lên từ đầu thập niên 80 và trở thành trung tâm của cuộc sống Việt. Đó là nơi để bạn bè gặp gỡ, đối tác làm ăn trao đổi, và cả cộng đồng sum họp dịp lễ tết.
10 năm qua, Lion Plaza đã đánh mất vai trò và vị thế của nó. Lượng người Việt lui tới ít hẳn, dù ở đây vẫn còn những quán ăn nổi tiếng như “Bò 7 món” (được mệnh danh là quán bò ngon nhất California).
Thay thế cho Lion Plaza là trung tâm thương mại Grand Century Mall, số 1.111 đường Story, trong khu Little Saigon. Ở đây, bóng dáng nước Mỹ biến mất, thay vào đó là không gian Việt thuần chất.
Bên ngoài cổng, bức tượng Trần Hưng Đạo đứng sừng sững. Bước vào trong, tiếng những bài hát Việt réo rắt từ cửa tiệm băng đĩa Cỏ Hồng. Quán ăn thì đủ cả, từ Cháo vịt Thanh Đa, Bánh xèo Đinh Công Tráng, Nước mía Ninh Kiều, Quán Ngon, Ẩm thực 3 miền... cho đến các quán bán ô mai và khô bò.
Khu ăn uống toàn quán ăn Việt Nam tại trung tâm Grand Century. |
Người nhập cư đến Mỹ gìn giữ bản sắc văn hóa qua ẩm thực. Và tại khu Little Saigon ở San Jose, ngoài Grand Century Mall hay Lion Plaza, các quán ăn Việt mọc lên khắp nơi với hương vị không khác mấy so với ở Việt Nam.
Bánh mì Lee’s Sandwiches đã quá nổi tiếng, các quán phở, quán bún bò và cơm tấm cũng rất nhiều. Giờ còn có thêm cả những quán ăn mới như Sizzle Spot với phong cách trang trí hiện đại như một quán ăn Mỹ, đồ ăn được bày trên những chiếc chảo sắt nóng hổi, kêu xèo xèo, vẫn đậm chất Việt nhưng về hình thức thì Mỹ hơn.
Ảnh hưởng chính trị lớn dần
Gần 40 năm qua, cộng đồng người Việt ở San Jose có nhiều thay đổi. Thế hệ lớn tuổi ủng hộ đảng Cộng hòa nhưng con cháu họ, thế hệ người Việt trẻ có tư tưởng cởi mở hơn, thiên về đảng Dân chủ nhiều hơn.
Họ cũng không còn làm việc trong các nhà hàng hay tiệm kinh doanh mà được học hành đầy đủ, tìm được việc làm thu nhập cao hơn.
Lá phiếu có in song ngữ tiếng Anh và tiếng Việt của một cử tri gốc Việt bầu chọn bà Hillary Clinton. |
Về tầm ảnh hưởng chính trị, cộng đồng người Việt 120.000 dân còn thua kém nhiều cộng đồng thiểu số khác như người gốc Mexico, gốc Hàn... “Nguyên nhân có lẽ do người Việt không chủ động tham gia hoạt động cộng đồng. Còn các sắc dân thiểu số khác hoạt động cộng đồng rất mạnh, tạo ảnh hưởng chính trị từ lâu, có khả năng huy động ủng hộ tài chính”, luật sư N.T phân tích.
“Tiềm năng chính trị của cộng đồng Việt là rất lớn, nhưng cũng giống như ruộng lúa chưa được gặt, chưa được khai phá”, ông nhấn mạnh. Hồi tháng 10 vừa qua một trung tâm cộng đồng của người Việt mới được mở tại San Jose.
Dù vậy, ở San Jose cũng đã có không ít người Việt giữ vị trí lãnh đạo chính trị. Bà Madison Nguyễn trở thành nghị viên quận 7 tại Hội đồng Thành phố từ năm 2005, giữ chức phó thị trưởng San Jose từ năm 2011 đến 2014.
Một cử tri gốc Việt đi bỏ phiếu sớm thay vì chờ tới ngày 8/11. |
Hiện bà Madison Nguyễn đang tranh cử Nghị viện bang California và được dự báo là sẽ giành chiến thắng. Trong Hội đồng Thành phố có hai nghị viên gốc Việt là ông Tâm Nguyễn đại diện quận 7 và ông Mạnh Nguyễn đại diện quận 4. Vừa qua, ông Mạnh Nguyễn thất bại trong cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố, và người thay thế cũng là một người gốc Việt.
Hướng về Việt Nam
Đa phần người Việt tại San Jose đều hướng tâm hồn, tình cảm của bản thân mình về quê hương. Có người về Việt Nam, ở vài ngày để thỏa nỗi nhớ rồi lặng lẽ trở về San Jose, không nói cho ai biết.
Ông Hoàng không còn người thân tại Việt Nam nên lâu chưa về, nhưng vẫn luôn ôn lại những ngày xưa cũ. Ông Nguyên, bạn ông Hoàng, kể ông cũng đã về Việt Nam nhiều lần thăm xóm giềng. Mỗi chuyến đi đối với ông đều là kỷ niệm khó phai.
Còn luật sư N.T bùi ngùi: “Nhiều lúc tôi chỉ muốn trở lại Việt Nam chỉ để ngửi cái mùi không khí, tận hưởng thêm một lần nữa cái nắng, cái gió, cái bụi của quê hương mình”. Ông cho biết vài năm nữa khi về hưu sẽ quay trở lại Việt Nam sinh sống, làm nghề hay mở lớp dạy tiếng Anh.
Và với nhiều người trẻ thành công, Việt Nam là môi trường và cơ hội kinh doanh nhiều triển vọng. Ở Thung lũng Silicon, tấm lòng và tình cảm của người Mỹ gốc Việt đối với quê hương vẫn luôn đong đầy.