Vừa qua, việc trường THCS và THPT Việt Anh (quận Phú Nhuận, TP HCM) không cho học sinh đồng tính ở nội trú nhận được nhiều quan tâm của dư luận.
Trên thực tế, học sinh thuộc giới tính thứ ba tại nhiều nước trên thế giới, thậm chí những nước tiên tiến như Anh, Mỹ, vẫn thường xuyên bị đối xử bất công. Chiến dịch đòi công bằng cho cộng đồng LGBT (đồng tính, chuyển giới và song tính) chưa bao giờ dừng lại.
Những quy định vô lý
Không cho sử dụng nhà vệ sinh là một trong những loại cấm đoán phổ biến nhất đối với học sinh thuộc cộng đồng LGBT. Một số trường trung học ở Mỹ như Gloucester (bang Virginia) hay Elko (bang Nevada) cấm học sinh đồng tính sử dụng phòng vệ sinh.
Sự việc bắt đầu nổi lên từ trường hợp Gavin Grimm, học sinh trường Gloucester, bị cấm sử dụng nhà vệ sinh (trường nhận được thư khiếu nại nặc danh).
Những học sinh đồng tính, chuyển giới khác cũng vấp phải sự cấm đoán này. Sau đó, nhà trường cải tạo kho đựng chổi thành nhà vệ sinh cho những học sinh đặc biệt.
Lãnh đạo nhà trường cho rằng, đây là quy định nhằm đảm bảo an toàn, cũng như quyền riêng tư cho học sinh khác.
Một số trường học khác ở bang South Dakota, Texas, Illinois, Mississippi và Virginia cũng áp dụng quy định tương tự.
Cặp đôi đồng tính Raymond Tullier (trái) và Nicholas Newport bị cấm tham gia dạ hội do trường tổ chức. Ảnh: Daily Mail. |
Trong khi đó, tháng 7/2016, trường Thống nhất Kenosha ở bang Wisconsin yêu cầu Ash Whitaker và các học sinh chuyển giới đeo vòng tay màu xanh để phân biệt với những “học sinh bình thường khác”.
Quy định của trường khiến Ash tổn thương, đặc biệt trước ánh nhìn ái ngại cùng thái độ dè dặt, tò mò của bạn học về giới tính thực sự, cũng như việc cậu từng phẫu thuật chuyển giới.
Cấm học sinh đồng tính tham dự dạ hội do trường tổ chức cũng là biểu hiện của tình trạng kỳ thị giới tính tại các trường ở Mỹ.
Hồi tháng 3, trợ lý hiệu trưởng trường Trung học French Settlement ở bang Louisiana cấm cặp đôi đồng tính Raymond Tullier và Nicholas Newport tham gia dạ hội vì cho rằng nó vi phạm quy định của trường.
Cảm thấy bất công, Raymond phàn nàn với mẹ. Tuy nhiên, lời phàn nàn từ phụ huynh không những không giải quyết được vấn đề mà còn khiến sự việc trở nên tồi tệ. Raymond Tullier bị đình chỉ học ngay sau khi mẹ cậu gửi ý kiến lên trợ lý hiệu trưởng.
Năm 2010, một trường học ở Mississippi thậm chí hủy bỏ buổi dạ hội chỉ để ngăn các cặp đôi đồng tính khiêu vũ với nhau một cách công khai.
Học sinh thuộc cộng đồng LGBT còn bị phân biệt đối xử trong vấn đề đồng phục. Một số trường bắt buộc học sinh mặc đồng phục theo quy định căn cứ nhận dạng giới tính thay vì giới tính thực sự. Thậm chí, học sinh chuyển giới vẫn phải mặc đồng phục theo giới ban đầu.
Kỳ quặc hơn, nam sinh Liam Jameson bị trường Dowling ở Iowa cấm nhận học bổng vì những cống hiến của cậu trong công tác xã hội chỉ vì Liam đồng tính.
Cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ vì bình đẳng giới
Bình đẳng giới là cuộc chiến kéo dài ở Mỹ. Nó cũng phức tạp như cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.
Điều IX của Luật Sửa đổi Giáo dục 1972 của nước này quy định cấm mọi hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong trường học.
Căn cứ điều này, hồi tháng 4, nam sinh Gavin Grimm, học sinh trường Gloucester, đã chiến thắng trong vụ kiện với ban lãnh đạo nhà trường. Đây cũng là thắng lợi có ý nghĩa trong chiến dịch đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT, theo Washington Post.
Sau đó, nhiều trường buộc phải xây dựng thêm nhà vệ sinh phi giới tính để phục vụ học sinh đồng tính, chuyển giới trong trường.
Trước đó, năm 2014, Sở học chính Orono ở bang Maine buộc phải bồi thường cho Nicole Maines 75.000 USD sau khi cấm em sử dụng nhà vệ sinh chung vì lý do giới tính.
Cuộc đấu tranh bình đẳng giới ở Mỹ không chỉ dừng lại ở phụ huynh, học sinh và nhà trường mà còn liên quan vấn đề chính trị. Tình trạng phân biệt đối xử đối với học sinh đồng tính, chuyển giới diễn ra nghiêm trọng đến mức cần sự can thiệp từ luật pháp, chính trị.
Tháng 7/2015, thượng nghị sĩ Al Franken kêu gọi người dân xóa bỏ nạn kỳ thị giới tính trong trường học.
Tháng 5/2016, Tổng thống Barack Obama yêu cầu các trường công lập trên cả nước cho phép học sinh sử dụng nhà vệ sinh theo đúng giới tính thực.
“Chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, cũng như phẩm giá của mỗi học sinh”, phát ngôn viên Nhà Trắng lý giải động thái của ông Obama.
Lời kêu gọi của đương kim tổng thống vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các đối thủ chính trị. Nhiều người cho rằng, đây là hành động không cần thiết vì học sinh LGBT chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và không thể hy sinh lợi ích của người khác chỉ để đảm bảo sự công bằng cho thiểu số.
Một số người khác nhận định, việc cho phép học sinh tự do sử dụng nhà vệ sinh theo giới tính thực sẽ tạo ra sự hỗn loạn trong trường học, gây ra các sự cố đáng tiếc.
Bộ Giáo dục Anh còn hành động quyết liệt hơn nhằm góp phần giảm bớt tình trạng kỳ thị người đồng tính trong trường học.
Đầu tháng 5, Bộ cấm trường Do Thái Hasidic tuyển sinh cho đến khi trường đồng ý tuyển học sinh đồng tính, chuyển giới và đưa ra các chương trình giảng dạy về LGBT.
Tuy nhiên, tình trạng phân biệt đối xử vẫn diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, tháng 3/2016, bang Kansas (Mỹ) ban hành luật cho phép các trường phân biệt đối xử đối với những học sinh thuộc giới tính thứ 3.
>>> Mời quý độc giả xem video Thầy giáo bị tố dâm ô với học sinh (nguồn VTC):