Mượn xe của cháu mang đi cầm, người phụ nữ bị tuyên phạt 6 tháng tù. |
Đứng nơi sân tòa vắng vẻ, người cháu gái mặt mày buồn hiu. Cô bảo, người thân với nhau, chẳng ai muốn đưa chuyện trong nhà đến chốn pháp đình. Lúc đầu gửi đơn đến công an, cô chỉ muốn “dọa” để mợ sợ mà nhanh nhanh chuộc xe về, chứ đâu nghĩ mợ mình sẽ phải đối mặt với khả năng ngồi tù.
Nói đến đây, mắt cô gái hoe đỏ, xót xa như muốn khóc. Từ khi vụ án xảy ra, cô vẫn ở trong nhà cậu mợ như cũ. Mọi sinh hoạt vẫn như trước đây không có gì thay đổi. Chiều hôm nay đến tòa, cũng là hai mợ cháu chở nhau đi. Người cháu cũng cố gắng làm hết sức mình, chỉ mong người mợ may ra có thể được giảm án đến mức thấp nhất, tốt nhất là được giảm xuống thành án treo hoặc cải tạo không giam giữ.
“Chó cắn áo rách”
Hai giờ chiều, sân tòa án nắng chang chang. Hai người phụ nữ đứng tần ngần dưới gốc cây bàng bên hông tòa án tỉnh. Gió chiều la đà thổi mấy ngọn bàng vàng hoe nằm lác đác trên sân, nghe ảo não như những tiếng thở dài.
Người phụ nữ đã bước qua tuổi 50, người gầy ốm. Mái tóc túm gọn phía sau ót. Vài sợi bị gió thổi tung, lòa xòa rớt xuống vầng trán đã chi chít nếp nhăn. Đôi mắt đã đục màu thời gian ánh lên tia lo lắng. Gương mặt bà buồn như đưa đám. Bà chính là bị cáo trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế tiến hành xét xử phúc thẩm.
Đứng bên cạnh bị cáo là cô gái trẻ mới 20 tuổi – bị hại trong vụ án. Chồng bị cáo là cậu ruột bị hại. Cha bị hại mất sớm. Nhiều năm qua, chỉ có hai mẹ con cô nương tựa vào nhau mà sống. Gần hai năm trước, mẹ cô cũng theo cha mà qua đời.
Cha mẹ không còn, anh em cũng không có, cô gái trẻ ấy bỗng thành mồ côi, chỉ trơ trọi một mình trên đời. Cậu mợ thương đứa cháu côi cút, mới kêu về ở cùng gia đình tại phường Kim Long (TP Huế), thay vì thui thủi ở trọ một mình. Gia tài mà cô gái trẻ mang theo lúc “di cư” sang nhà cậu mợ, là chiếc xe máy có giá trị 30 triệu đồng (theo định giá của cơ quan chức năng).
Vào một ngày giữa tháng 6/2017, người mợ mượn xe của cháu gái đi công việc. Trên đường trở về nhà, bị cáo chợt nảy sinh ý định mang xe của cháu đi cầm cố, lấy 22 triệu đồng. Bị cáo hẹn chủ cầm đồ một tuần nữa sẽ đến chuộc xe.
Hết một tuần, bị cáo vẫn không có tiền để chuộc nên gọi điện gia hạn thêm một thời gian nữa sẽ đến chuộc. Quá thời hạn chuộc xe, vì không thấy bị cáo đến chuộc nên người cầm đồ đã bán xe cho một người không rõ lai lịch, vì vậy cơ quan chức năng không thu hồi được chiếc xe.
Lại nói, người cháu gái sau khi biết mợ mình đã mang xe đi cầm, cô gái nhiều lần hối thúc mợ chuộc xe về, nhưng chỉ thấy cậu mợ hứa, còn xe thì chẳng thấy tăm hơi. Vì muốn “thúc đẩy” mợ nhanh chuộc xe, người cháu viết đơn trình báo lên cơ quan công an. Người mợ ngay sau đó bị khởi tố hình sự.
Đứng nơi sân tòa vắng vẻ, người cháu gái mặt mày cũng buồn hiu. Cô bảo, người thân với nhau, chẳng ai muốn đưa chuyện trong nhà đến chốn pháp đình. Lúc đầu gửi đơn đến công an, cô chỉ muốn “dọa” để mợ sợ mà nhanh nhanh chuộc xe về, chứ đâu nghĩ mợ mình sẽ phải đối mặt với khả năng ngồi tù. Nói đến đây, mắt cô gái hoe đỏ, xót xa như muốn khóc.
Từ khi vụ án xảy ra, cô vẫn ở trong nhà cậu mợ như cũ. Mọi sinh hoạt vẫn như trước đây không có gì thay đổi. Chiều hôm nay đến tòa, cũng là hai mợ cháu chở nhau đi. Người cháu cũng cố gắng làm hết sức mình, chỉ mong người mợ may ra có thể được giảm án đến mức thấp nhất, tốt nhất là được giảm xuống thành án treo hoặc cải tạo không giam giữ.
Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND TP Huế xét xử, bị cáo bị tuyên phạt mức án 9 tháng tù. Cho rằng bản án quá nặng, bị cáo kháng cáo xin được giảm nhẹ mức án. Lấy lý do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con cái đang đi học. Nếu bị cáo đi tù, sẽ đẩy gia đình vào hoàn cảnh bế tắc vì mất đi một lao động, bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ. Bị hại cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức án cho bị cáo.
“Vòng luẩn quẩn” của bị cáo
Phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xét xử vào một ngày giữa tháng 6/2018. Bị cáo đứng nơi bàn khai dành riêng cho mình, gương mặt hằn lên nét lo âu.
Tòa hỏi bị cáo hôm đó mượn xe của bị hại, có nói là đi cầm không? Bị cáo nặng nề lắc đầu. Sáng hôm đó bị cáo đến văn phòng luật sư để hỏi về tình hình tiến triển của vụ kiện tranh chấp chia tài sản thừa kế. Trên đường về, cứ nghĩ đến chủ nợ hối thúc việc trả tiền, bị cáo quẫn bách quá mới đem xe của cháu đi cầm để trả nợ.
Số tiền nợ đó, bị cáo đứng ra vay để trả phí cho luật sư tiến hành vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế. Trong khi vụ kiện mãi vẫn dậm chân tại chỗ, tiền thừa kế còn chưa “kiếm” được đồng nào thì bị cáo đã phải chạy vạy đến phờ mặt để trả tiền vay mượn thuê luật sư thưa kiện.
Bị cáo không có công việc ổn định. Chồng làm nghề phụ xe, lương tháng 3 triệu. Hai đứa con vẫn còn đang đi học. Số tiền 33 triệu trả phí luật sư, đều là tiền đi vay nợ hết.
“Chị nghĩ thế nào mà chồng làm tháng có 3 triệu, bản thân thì không có việc làm, lại dám đưa 33 triệu cho luật sư?”.
Người phụ nữ ấp úng mãi vẫn không phân bua được.
“Vì sao sau khi cầm xe, bị hại yêu cầu đem xe về, chị lại không đem về?”.
“Dạ cũng muốn cầm xe về liền, nhưng chạy vạy vay mượn khắp nơi vẫn không đủ tiền để chuộc xe. Hai vợ chồng bị cáo liền lấy sổ đỏ nhà đi cầm để chuộc xe nhưng họ không đồng ý cầm. Họ nói thẻ đỏ thì chỉ có ngân hàng mới cầm. Cho nên không cách chi lấy xe về được”. Bị cáo nhỏ giọng.
“Cháu của mình mồ côi mồ cút, cha mẹ không còn, anh em không có, phải đến nhà cậu mợ nương tựa, lẽ ra mình phải thương yêu, bảo bọc cháu. Đằng này bị cáo lại đi chiếm đoạt chiếc xe duy nhất của cháu mình”.
Đầu bị cáo vốn đã cúi thấp, giờ càng gục sâu xuống bàn, giọng nói ấp a ấp úng đầy xấu hổ. Bị cáo nói mình sai. Giờ bị cáo rất hối hận vì đã gây ra hậu quả như ngày hôm nay. Bị cáo chỉ mong tòa xem xét hoàn cảnh khó khăn của mình để cho bị cáo được hưởng án treo. Bị cáo xưa nay vốn sống cuộc sống khổ cực nhiều, nên giờ cũng không sợ khó không sợ khổ.
Nhưng bị cáo chỉ sợ nếu mình đi tù, cả gia đình cùng với món nợ cứ lãi mẹ đẻ lãi con chưa trả hết, một mình chồng bị cáo ở ngoài chắc chắn sẽ không chèo chống được. Bị cáo muốn xin tòa cho được chấp hành án tại địa phương, để tiếp tục lao động, trả nợ.
Tòa ngắt lời phân bua của bị cáo. Vị chủ tọa nói với bị cáo, gia đình bị cáo tuy không giàu nhưng không có gì khó khăn cả. Chồng có công việc làm ổn định con cái đã trưởng thành (đều trên 18 tuổi). “Người ta đau ốm nằm một chỗ không dậy được mới gọi là khó khăn”, vị chủ tọa nhận định.
Hội đồng xét xử cho biết, trong hồ sơ của công an khu vực cung cấp, bị cáo ở địa phương không có việc làm, thường xuyên tụ tập đánh bài, nợ nần? Bị cáo lắc đầu, hấp tấp phân bua. Bị cáo nói mình thường xuyên vào Sài Gòn làm thuê. Lúc nào ra thăm gia đình, mới tới chổ mấy người hay tụ tập đánh bài. Bị cáo tới đó làm thuê, ai nhờ mua gì thì đi mua thứ nấy, sau đó lấy tiền công, chứ hoàn toàn không có đánh bài.
Sau khi vụ án bị khởi tố, bị cáo đã bồi thường 22 triệu. Tám triệu còn lại, bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường tiếp. Tại phiên tòa, bị hại một lần nữa đứng lên xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Người cháu gái cũng phân trần giúp mợ của mình, theo người cháu gái, do gia đình bị cáo khó khăn về kinh tế, nhận thức kém, bị cáo có nhân thân tốt, đã chăm sóc bị hại trong thời gian mẹ mất, vì vậy cô tha thiết xin hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy bị cáo có nhận thức kém, thu nhập thấp, đã bồi thường thiệt hại, người bị hại cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ. Hơn nữa bị hại không có người thân thích, cùng chung sống trong gia đình, bị cáo có công nuôi dưỡng bị hại. Xét thấy đề nghị của bị hại có một phần căn cứ, tòa phúc thẩm quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù giam.
Dù được giảm từ 9 tháng tù giam xuống còn 6 tháng, nhưng bị cáo mặt mày chẳng tươi lên được một chút. Hai mợ cháu mặt mày ủ dột cùng nhau rời tòa. Bóng chiều phía sau đã ngã về tây, ánh nắng cũng nhạt màu như vẻ mặt của hai mợ cháu lúc rời tòa.
Tòa hỏi bị cáo hôm đó mượn xe của bị hại, có nói là đi cầm không? Bị cáo nặng nề lắc đầu. Sáng hôm đó bị cáo đến văn phòng luật sư để hỏi về tình hình tiến triển của vụ kiện tranh chấp chia tài sản thừa kế. Trên đường về, cứ nghĩ đến chủ nợ hối thúc việc trả tiền, bị cáo quẫn bách quá mới đem xe của cháu đi cầm để trả nợ.
Số tiền nợ đó, bị cáo đứng ra vay để trả phí cho luật sư tiến hành vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế. Trong khi vụ kiện mãi vẫn dậm chân tại chổ, tiền thừa kế còn chưa “kiếm” được đồng nào thì bị cáo đã phải chạy vạy đến phờ mặt để trả tiền vay mượn thuê luật sư thưa kiện.