Sáng ngày 12/2/2017, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã diễn ra lễ khai hội mùa xuân với nhiều nghi lễ và phần hội độc đáo, đặc sắc. Dự lễ khai hội có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dâng hương tại lễ khai hội. |
Tại lễ khai hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Lương Văn Cầu đã nhấn mạnh ý nghĩa tầm quan trọng của vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc và công lao to lớn của thiền phái Trúc Lâm với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, lòng tự tôn dân tộc; công lao của Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả.
Đại diện lãnh đạo nhà nước, các Bộ, ban, ngành Trung ương,lãnh đạo tỉnh Hải Dương và đông đảo nhân dân và du khách thập phương dự lễ khai hội. |
Lễ hội năm nay tưởng niệm 683 năm ngày mất Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334 - 2017). Ông tên thật là Lý Đạo Tái (sinh năm 1254) tại Bắc Ninh, là người học rộng, tài cao, đỗ đầu khoa thi Giáp Tuất (1274). Làm quan nhà Trần không lâu, ông từ quan đi tu, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách. Ông từng cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi khắp nước thuyết pháp, giảng kinh, trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Những năm cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn tiếp tục xây dựng nhiều công trình Phật giáo, trong đó có tòa Cửu phẩm liên hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau.
Trong sáng 12/2, lễ khánh thành tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn cũng được tổ chức trang trọng. Theo các tài liệu ghi chép, tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn có từ thời Trần, được tôn tạo vào thời Lê, song đã bị hư hại do chiến tranh và thiên tai. Năm 2015, Công trình tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn được động thổ xây dựng với các hạng mục tòa cửu phẩm, nhà tổ, hậu đường với kinh phí đầu tư trên 75,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và các nguồn công đức. Trong đó, nổi bật là tòa Cửu phẩm liên hoa có kiến trúc 3 tầng 12 mái. Bên trong là tháp cửu phẩm hình bát giác cao 7,9 m với 9 tầng chạm cánh sen, gắn 216 pho tượng Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Trong Phật giáo, Cửu phẩm liên hoa là một biểu tượng đặc biệt nhằm biểu dương Phật pháp, ca ngợi thế giới Niết Bàn, Cực Lạc.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các đại biểu cắt băng khánh thành tòa Cửu phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn. |
Trong khuôn khổ lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như nghi lễ rước nước với sự tham gia của hàng trăm người với rồng, cờ lọng, bát bửu, các cỗ kiệu...từ chùa Côn Sơn tiến ra hồ Côn Sơn. Tại đây, các nhà sư làm lễ dâng hương, cáo thần, đăng đàn cầu nước.
Các đại biểu thành kính thực hiện nghi thức lấy nước trong vòng sinh khí đổ vào bình thủy rồi rước nước trở lại chùa làm lễ an vị. Rước nước là một nghi lễ quan trọng trong lễ hội Côn Sơn với mục đích lấy nước thiêng để thờ cúng trong Phật điện, làm nghi lễ mộc dục (tắm tượng), biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, cầu mùa, cầu nước...
Nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi mang đậm chất truyền thống, dân gian như lễ dâng hương, lễ khai hội, lễ an vị tượng và đêm hoa đăng Liên hoa hội thượng, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ Đàn mông sơn thí thực, hội thi bánh chưng, bánh dày, vật dân tộc, liên hoan pháo đất...Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2017 diễn ra từ ngày 10/2 đến ngày 19/2/2017 (tức ngày 14 đến 23 tháng Giêng âm lịch).
Côn Sơn, Kiếp Bạc - Khu di tích quốc gia đặc biệt ở tỉnh Hải Dương; lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương mỗi khi mùa xuân đến bởi sự linh thiêng, phong cảnh hữu tình và là điểm hội tụ của nhiều bậc hiền tài của đất nước qua nhiều thế kỷ. Chỉ tính riêng 5 ngày tết Nguyên đán, lượng khách đến Khu di tích này đạt khoảng 120 nghìn lượt người. Lượng khách đến trong những ngày lễ hội cũng tăng do diễn ra vào những ngày cuối tuần.
Một số hình ảnh tại lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2017:
Lễ khánh thành tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn cũng được tổ chức trang trọng. |
Đông đảo du khách trẩy hội. |
Nhiều trò chơi dân gian độc đáo. |
Bài đang được đọc nhiều:
>>> Hình ảnh bất chấp tất cả của người dân khi đi hội xuân
>>> Những tục lệ bắt vợ, bắt chồng lạ lùng ở Việt Nam
>>> Lắc đầu ngao ngán với hình ảnh phản cảm trong dịp Tết
>>> Muôn kiểu tham gia giao thông “bất chấp tất cả” của chị em
>>> Cảnh sát hình sự đặc nhiệm - Quả đấm thép của Công an TPHCM